Hiệp định quan trọng
Tối 29-5 giờ Việt Nam, tại Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Kyrgyzstan) và Chủ tịch Ban thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã cùng ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu.
“Hiệp định sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng trường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được TTXVN trích lời, khi nói với báo chí sau lễ ký.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán FTA với nhiều đối tác lớn khác. Vì vậy, với hiệp định vừa ký kết, các thành viên sẽ được hưởng lợi khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam vì họ sẽ có các cơ hội tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada, Australia…
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là hiệp định rất quan trọng. “Lần đầu tiên, Việt Nam có một hiệp định mang tính bao quát, chất lượng cao và bao gồm hầu như toàn bộ các lĩnh vực thương mại đầu tư, từ dịch vụ hàng hóa cho đến dịch vụ đầu tư, thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hoàng nói với TTXVN sau lễ ký kết.
Bộ trưởng khẳng định, FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu toàn diện ở chỗ nó không như một hiệp định thương mại tự do chỉ có thương mại hàng hóa, dịch vụ bình thường hay lĩnh vực đầu tư mà nó còn một số nội dung khác như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, mua sắm của chính phủ.
Ông Vũ Huy Hoàng cho hay, qua tính toán, có 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên sẽ được mở cửa và tự do hóa. Đây là tỷ lệ tương quan đối với một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác khác.
“Nếu chúng ta khai thác được, tận dụng được cơ hội này thì hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam với các nước khác của Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga chỉ đạt 4 tỉ đô la Mỹ/năm; còn nếu thực hiện theo hiệp định thì dự kiến đến năm 2020, kim ngạch này dự kiến sẽ đạt khoảng 10 tỉ đô la”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đã tiến hành khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do tháng 3-2013. Ngày 15-12-2014, tại Việt Nam, hai bên đã ký Tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định.
Từ ngày 1-1-2015, Liên minh Hải quan chuyển thành Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Liên minh Kinh tế Á – Âu có tổng dân số hơn 175 triệu người và GDP 2.500 tỉ đô la Mỹ. Theo đánh giá của Liên minh, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh sẽ đạt 10 – 12 tỉ đô la vào năm 2020 (so với mức 4 tỉ đô la năm 2014). Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hàng năm sẽ tăng khoảng 18 – 20%.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam không nên quan niệm rằng, thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu là một thị trường dễ tính.
“Đối với nhiều nước của Liên minh, trong đó có Liên bang Nga, người ta yêu cầu không kém gì một số nước phát triển về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người”, ông nói. Bộ trưởng cho rằng, đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nông sản như: chè, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác.
Bộ trưởng Công thương cho rằng, khoảng cách khá xa về địa lý là một rào cản mà nếu không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải sẽ làm tăng giá sản phẩm, gây bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam. Ông nhắc các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán về phương tiện vận tải phù hợp.
Bộ trưởng cho biết, về phương thức thanh toán, hiện nay hệ thống ngân hàng của các nước Liên minh kinh tế Á - Âu đang trong quá trình phát triển nhưng so với ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch. Vì vậy, khi đàm phán ký kết hợp đồng và đặc biệt về điều khoản thanh toán, các doanh nghiệp Việt Nam phải bàn rất kỹ với các đối tác của Liên minh để làm sao khi tiêu thụ hàng hóa của hay mua sản phẩm từ phía bạn không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán, thuận lợi về giao dịch.
"Hiểu biết của không ít doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này còn hạn chế, nhất là những nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ như Armenia, Kyrgyzstan thì thông tin về doanh nghiệp Việt Nam rất ít. Vì vậy, bên cạnh việc xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư thì việc nắm thông tin, khảo sát thị trường, tìm hiểu thị trường và kể cả tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng ở những nước đó rất quan trọng. Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến thị trường lớn, thị trường thuận lợi mà chưa đặt đúng mức vai trò của thị trường tuy chưa phải là lớn nhưng tiềm năng phát triển như các nước thành viên Liên minh kinh tế Á Âu" - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.