Một trong những thông tin đáng chú ý của Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2019 vừa được Tổng cục Thống kê công bố là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2019 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh so với tháng trước như: Hóa chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%; sắt thép tăng 19,2%...
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trong tháng 1 có thể kể đến: Hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 800 triệu USD, tăng 4,9%; thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng 5,2%.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2019 với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,2%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,8%...
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2019 lại giảm 1,3%. Nguyên nhân là một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; cà phê; hạt điều; hạt tiêu…
Nhiều yếu tố thuận lợi
Nhận định về triển vọng xuất khẩu năm 2019, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu năm nay tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhằm xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Trong lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục có nhiều cải cách về hành chính, đơn giản hóa thủ tục, từ đó tiết giảm chi phí và thời gian cho DN.
Bên cạnh đó, từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường rộng lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực trong năm nay cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho DN xuất khẩu vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng.
Trước những dự báo cho rằng ngành dệt may sẽ tiếp tục có những bứt phá ngoạn mục từ đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng năm 2018, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái kết quả tốt.
Nhìn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một số chuyên gia kinh tế đánh giá, cuộc chiến này có thể có những tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc giảm đi dẫn đến hệ quả nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế. Khi đó, Việt Nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn, giúp giải quyết việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. “Cuộc chiến này còn là cơ hội để các DN Việt Nam nâng cấp sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng mới”, một chuyên gia nhận định.
Cùng với những dự báo lạc quan, xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 có thể đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tăng trưởng dự báo không được ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn có thể thay đổi nhanh và tác động hai chiều; nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng… có thể tác động đến xuất khẩu.
Lường trước những thách thức nhằm tận dụng tối đa cơ hội cho xuất khẩu, ngay từ đầu năm 2019, trong các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khơi thông thị trường. Trong đó có giải pháp đổi mới, nâng cao cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN; đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O; phát hành báo cáo đánh giá thị trường nông thủy sản…
Nguồn: baodauthau.vn