Tại hội thảo “Phương pháp đối chiếu và lý giải chênh lệch số liệu trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa” ngày 13/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc lại hai nhóm nguyên nhân chính gây ra chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một là thuộc về nhóm áp dụng phương pháp thống kê gồm sự khác biệt về tiêu chí thống kê; phạm vi hàng hóa đưa vào thống kê; xác định giá trị thống kê khác nhau; sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê. Hai là nhóm nguyên nhân về buôn lậu, gian lận thương mại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu yêu cầu Tổng cục Thống kê phải lượng hóa được nguyên nhân gây ra chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu, bao nhiêu phần trăm do phương pháp thống kê, bao nhiêu phần trăm do gian lận thương mại...

“Điều này chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu báo cáo và có phối hợp với Tổng cục Hải quan. Nhưng căn cứ tình hình thực tế thống kê hiện nay của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi thấy chưa thể lượng hóa điều này”, ông Lâm nói.

Ông Romesh Paul, chuyên gia EU, cố vấn trưởng Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thống kê ASEAN chia sẻ chênh lệch thống kê xuất nhập khẩu không phải chỉ có ở Việt Nam mà các nước đều gặp phải. Khi nghiên cứu thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, chúng tôi cũng thấy có sự chênh lệch này.

“Chúng tôi tìm ra nguyên nhân nhưng lượng hóa nó vẫn đang là cuộc chiến chúng tôi phải tiếp tục” – ông Romesh Paul chia sẻ.

Theo ông Paul, rất khó thuyết phục các nước cùng nghiên cứu, tìm hiểu lại các số liệu đó để tìm ra sự chênh lệch bởi đây là số liệu cũ chứ không phải mới. Vì vậy, việc tìm hiểu sự chênh lệch này là rất khó.

“EU và Trung Quốc mất 4 năm mới xác định được những lý do chính dẫn đến chênh lệch số liệu và cuối cùng không ước lượng được phần trăm sai lệch”, ông Paul nói.

Nhìn nhận việc chênh lệch thống kê 20 tỉ USD giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được đề cập nhiều, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) đề xuất với Chính phủ giao Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc phối hợp hải quan hai nước thực hiện rà soát số liệu để lượng hóa tác động của từng nguyên nhân.

“Điều này chỉ thực hiện được khi Trung Quốc nhất trí phối hợp” – bà Lê Thị Minh Thủy nhấn mạnh.

Một đại diện của Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn cho rằng, nếu không lượng hóa được nguyên nhân gây ra xuất nhập khẩu, mà độ vênh cứ tăng dần lên thì không ổn. Sau mỗi lần chênh lệch số liệu này, Tổng cục Thống kê lại đưa ra những lý giải chung chung như vậy có lẽ không thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền.

Hà Bình