Giá thuốc giảm mạnh
Năm 2017, lần đầu tiên thuốc chữa bệnh được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, gồm 5 hoạt chất với 22 mặt hàng thuốc (trong đó có 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic). Kết quả, tổng giá thuốc trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng so với kế hoạch. Riêng 5 thuốc biệt dược qua đấu thầu tập trung đã giảm giá 114 tỷ đồng và 17 thuốc generic giảm 362 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số mặt hàng được chấm ở vị trí số 1 (trúng thầu), mức giảm giá nhiều nhất tới 70% so với giá trung bình năm 2016; rất nhiều loại thuốc giá chỉ bằng 50%.
Thực tế trên cho thấy, đấu thầu tập trung đã giúp giá thuốc rẻ hơn rất nhiều so với đấu thầu riêng lẻ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu, bảo đảm đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn đáp ứng quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, việc đấu thầu lần 1 mới chỉ áp dụng với rất ít mặt hàng thuốc; còn nhiều loại thuốc và vật tư y tế có chênh lệch giá giữa các bệnh viện và địa phương nhưng chưa được điều chỉnh. Nếu việc đấu thầu được mở rộng và công khai minh bạch, giá thuốc còn rẻ hơn rất nhiều. 
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - thừa nhận, qua quá trình đấu thầu, giá thuốc đã giảm tương đối lớn, góp phần đáng kể điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh.
Mở rộng danh mục thuốc đấu thầu
Kết quả gói thầu đầu tiên đã giúp người bệnh không phải mua thuốc bị đội giá lên cao, thậm chí giá thuốc trong điều trị bệnh ung thư đã giảm tới 17 - 33%. Dù vậy, hết quý I/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đấu thầu thuốc lần 2. Vấn đề này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt câu hỏi cho Bộ Y tế tại buổi làm việc mới đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định hiện hành, đấu thầu thuốc có 3 cấp: Cấp quốc gia (đấu thầu tập trung), cấp tỉnh (hiện nay, 63/63 tỉnh đã đấu thầu) và cấp bệnh viện. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và cấp tỉnh.
Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện có ý kiến cho rằng, phải xác định được tiêu chí phân định danh mục thuốc, trong đó có thuốc nhiều số đăng ký. Thực tế, có những thuốc chỉ 1 số đăng ký như biệt dược gốc khi đấu thầu tập trung có thể cắt giảm 10 - 15% chi phí. Ngược lại, có thuốc nhiều số đăng ký lại không trúng thầu do năng lực của nhà thầu không đáp ứng. Để thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần 2, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế cùng ban hành danh mục thuốc đợt này để thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Bộ Y tế cần minh bạch quy trình, tiêu chí, trách nhiệm trong đàm phán giá thuốc; sớm đáp ứng yêu cầu đề xuất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để triển khai thực hiện.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử