Báo cáo của Bộ KH&ĐT về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cho thấy, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới dự kiến đạt đỉnh phục hồi vào năm 2018 và năm 2019, sau đó có thể giảm tốc dần.

Lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới dự báo sẽ giảm tốc dần trong giai đoạn 2019-2020 sau khi phục hồi mạnh trong năm 2018 nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực và cung - cầu hàng hóa mạnh lên.

Trong bức tranh chung, theo Bộ KH&ĐT, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại, như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt một số rủi ro, thách thức chủ yếu. Theo đó, với độ mở lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế.

Căng thẳng thương mại, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, các nền kinh tế lớn diễn biến khó lường.

Với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể cũng sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp, trong khi đó, vẫn còn nhiều thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Trên cơ sở đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế, những thuận lợi, khó khăn, Bộ KH&ĐT cho biết một trong những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là tập trung củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.

Cụ thể dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế của năm 2019 được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra gồm: GDP tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP và tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%.

Dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế 2019, Bộ KH&ĐT cho biết, về cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036 - 2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.

Về cân đối xuất nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018. Nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%. Nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn: Baohaiquan.vn