Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nhật báo Nikkei cho hay CPTPP là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, nông lâm thủy sản của Nhật Bản.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, nông lâm thủy sản của Nhật Bản tăng 750,2 tỷ yen, tăng 0,7% so với năm trước đó, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 25,7% và các nền kinh tế khác trong TPP-11 chiếm 11,8%. Trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng thu nhỏ do tình trạng lão hóa và tỷ lệ sinh thấp, Nhật Bản đang dần chuyển đổi mở rộng thị trường ngoài nước.

Chính phủ Nhật Bản đã xác định những mặt hàng nông nghiệp trọng điểm để thúc đẩy xuất khẩu như gạo, thịt bò, thủy sản. Về gạo, Malaysia sẽ giảm mức thuế nhập khẩu cho gạo Nhật Bản từ 40% xuống còn 0% trong lộ trình 11 năm; Chile cũng sẽ loại bỏ mức thuế quan 6% đối với mặt hàng này.

Đối với thủy hải sản, Mexico sẽ loại bỏ mức thuế quan hiện tại 20% đánh vào cá hồi ngay khi CPTPP có hiệu lực. Xì dầu - một trong những mặt hàng thực phẩm có thế mạnh của Nhật Bản sẽ được giảm thuế quan về 0 tại Mexico và Canada khi CPTPP có hiệu lực, mức thuế đối với mặt hàng này tại Mexico đang là 20% và Canada là 9,5%.

Không chỉ Nhật Bản, các nước có nông nghiệp là thế mạnh như Canada và Việt Nam cũng được hưởng lợi trong việc thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, nông lâm thủy sản khi CPTPP có hiệu lực.

Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Nhật Bản cho biết tính đến tháng 10 năm nay, các doanh nghiệp Nhật Bản có khoảng 118.000 cửa hàng tại nước ngoài, tăng 30% so với năm trước. Đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng giúp thực phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản của Nhật Bản mở rộng xuất khẩu và cùng với CPTPP, Tokyo hy vọng sẽ tạo ra “làn gió mới” cho kinh tế nước này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút sự tham gia của Mỹ khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ.

Trước động thái này của Mỹ, 11 thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Bộ trưởng thương mại 11 thành viên còn lại đã ký kết văn kiện nền tảng về hợp tác, nhất trí với tên gọi mới là CPTPP./.

Nguồn: Bnews/TTXVN