Đề xuất này nêu rõ, người đại diện theo pháp luật của các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ bị cấm xuất cảnh nếu nợ tiền thuế gồm chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên), chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty (đối với công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp nhà nước), chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (đối với công ty cổ phần), chủ tịch hội đồng quản trị (đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), thành viên công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân được công nhận là người đại diện theo pháp luật của tổ chức.

Biện pháp chế tài này sẽ được áp dụng nếu khoản nợ thuế được xác định là có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên trong đó có khoản nợ trên 90 ngày.

Không chỉ vậy, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng bị cấm xuất cảnh.

Tương tự, các cá nhân còn nợ tiền thuế từ 50 triệu đồng trở lên trong đó có khoản nợ trên 90 ngày cũng bị áp dụng hình thức tương tự. Các công dân chỉ được xuất cảnh khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Riêng với người đại diện pháp luật là người nước ngoài, thời hạn cấm xuất cảnh là không quá ba năm kể từ ngày ban hành văn bản và được gia hạn cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, trong trường hợp các tổ chức sản xuất kinh doanh, cá nhân còn nợ tiền thuế nếu có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác tại các tổ chức tín dụng và được tổ chức tín dụng bảo lãnh để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước thì sẽ được xuất cảnh bình thường.

Đề xuất này đang được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế lấy ý kiến trên website: www.gdt.gov.vn.

Nợ thuế, công tác thu hồi nợ thuế của ngành thuế là câu chuyện rất được quan tâm hiện nay khi trong thời gian qua, các cục thuế lớn của cả nước liên tục công bố con số nợ đọng hàng chục ngàn tỉ đồng trong đó có hàng ngàn tỉ đồng là nợ xấu không có khả năng thu. 

Nguồn: TBKTSG