Trong kế hoạch ngân sách năm 2018, Tổng thống Macron đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn so với con số dự báo 2,9% GDP trong năm 2017, và tiết kiệm khoảng 15 tỷ euro (17,6 tỷ USD) ngân sách.
Từ năm 2018, quỹ an sinh xã hội sẽ giảm 5,5 tỷ euro. Kế hoạch ngân sách này cũng sẽ “đóng băng” các dự án hạ tầng lớn và gần 1.600 viên chức sẽ bị sa thải.
Chính quyền Tổng thống Macron đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 5 năm của mình sẽ tinh giản 120.000 biên chế trong cơ quan công quyền.
Cũng theo kế hoạch ngân sách trên, Chính phủ Pháp cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 25% vào năm 2022, so với mức 33% hiện hành.
Ngoài ra, kế hoạch còn bao gồm việc giảm thuế thu nhập đối với lực lượng làm tài chính được hưởng lương cao - nỗ lực nhằm tăng sức hút của Paris (vừa được chọn là nơi đặt trụ sở Cơ quan Ngân hàng châu Âu) đối với các công ty tài chính nước ngoài đang tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi London sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Cụ thể, kế hoạch ngân sách 2018 sẽ bỏ thuế theo cấp độ đối với thu nhập của các nhân viên làm việc trong các công ty không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), như các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, áp dụng đối với mức lương trên 152.279 euro.
Như vậy, từ ngày 1/1/2018, sẽ không còn khoản thuế 20% đánh vào mức lương này, trong khi các mức lương thấp hơn vẫn phải chịu thuế 13%.
Chính phủ Pháp ước tính với quy định mới, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty tài chính khác sẽ tiết kiệm được 140 triệu euro trong năm 2018.
Bên cạnh chính sách thuế hấp dẫn nêu trên, dự thảo ngân sách cũng đề cập biện pháp nhằm cải thiện sức hút của Pháp đối với các công ty tài chính đang tìm cách di chuyển tới khu vực Eurozone, đó là hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với các giao dịch tài chính trong ngày.
Pháp hiện là một trong số ít những nước có thâm hụt ngân sách trên mức 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Nếu mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách được hoàn thành thì đây sẽ là lần đầu tiên trong một thập niên qua Pháp có thể giữ thâm hụt ngân sách trong mức mà châu Âu yêu cầu và giúp nước này tăng tín nhiệm quốc gia trên bình diện châu Âu
Kế hoạch thuế này hiện được chuyển tới Thượng viện Pháp để được thông qua.
Cho đến hiện tại, Tổng thống Macron đã tiến hành một số cải cách cơ cấu, một ưu tiên chính trong chiến dịch của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Pháp, hiện đang đứng ở mức 1,7%, và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức 9,5%.
Một trong những bước đi đầu tiên của ông từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước là thông qua các cải cách để đơn giản hóa bộ luật lao động của Pháp.
 Nguồn: BNEWS/TTXVN