Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 2.300 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.700 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 600 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được khoảng 86 tỷ con giống.

Tính đến cuối tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt xấp xỉ 2,6 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chủ yếu hiện nay bao gồm Mỹ chiếm 22,7 %, EU chiếm 19,1%, Nhật Bản chiếm 17,8%, Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 14,8%. Theo dự báo, khả năng xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo, tại ĐBSCL, tình hình hạn, mặn đã diễn ra khốc liệt làm tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000ha, mức độ thiệt hại có nơi lên đến 70% và tập trung ở các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Nhiều vùng nuôi tôm - lúa bị chậm thời vụ. Cùng với đó, nhiều vùng nuôi không có hệ thống thủy lợi chủ động phải chậm thả giống, có thể làm sản lượng và thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Theo đại diện 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL là Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre, khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại nhiều vùng vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không phù hợp và bị ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, thời gian gần đây nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng thiếu điện phục vụ nuôi tôm dẫn đến các hộ nuôi phải dùng máy nổ để quạt nước, bơm nước đã khiến giá thành sản xuất tăng cao giảm sức cạnh tranh của ngành tôm.

Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các tỉnh ĐBSCL trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là tình trạng hạn hán, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; lựa chọn sản phẩm chủ lực của vùng để phát triển như sản xuất tôm.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung rà soát lại quy hoạch sản xuất tôm, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm hướng tới sản xuất bền vững. Đồng thời giao Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển bền vững tôm nước lợ đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả và phát triển bền vững, biến thách thức của biến đổi khí hậu thành lợi thế phát triển.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành NN&PTNT có biện pháp tổ chức lại sản xuất, rà soát, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành tôm; nghiên cứu hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường.

Để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như bảo đảm phát triển bền vững cho các vùng nuôi tôm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch khẩn trương bố trí nguồn lực để bảo đảm việc cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng đề nghị tập đoàn cần nghiên cứu đầu tư các hệ thống hạ tầng nguồn điện cho các khu vực nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch.

Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử