Tuy nhiên, đến nay, “xứ Kim chi” lại đang đứng trước một “cơn gió ngược”, khi quyết định đó buộc các nhà sản xuất thép của nước này phải cắt giảm 50% công suất của mình.
Theo một số chuyên gia, các dây chuyền sản xuất thép Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng nhàn rỗi. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên được ưu ái miễn thuế xuất khẩu nhôm và thép sang thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của nước này (là Mỹ) từ hồi tháng Ba.
Song thay vì tạo ra một cú hích, các nhà xuất khẩu thép ống truyền thống như Nexteel, Husteel và Seah Steel lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là bởi hạn ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2018 của các nhà sản xuất Hàn Quốc đã bị giảm đến 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, khiến các công ty như Nexteel và Husteel phải giảm công suất từ tháng 5/2018, khi những hạn ngạch này đã gần như đã sử dụng hết, và phải đợi đến tháng 10 hoặc tháng 11/2018 mới có thể tiếp tục chế tạo những lô hàng phục vụ hoạt động xuất khẩu năm 2019.
Trước tình hình này, một số nhà sản xuất như Seah Steel đã cân nhắc việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại Mỹ, hoặc dịch chuyển một vài nhà máy sang nền kinh tế lớn nhất thế giới, để “né” quy định về hạn ngạch và thuế quan.
Đại diện của Seah Steel chia sẻ: “Việc có hai nhà máy ở Mỹ đã giúp giảm nhẹ những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi các hạn ngạch được áp dụng. Do đó, trong trung và dài hạn, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng hoạt động tại Mỹ”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết số lượng các sản phẩm ống thép to và nhỏ mà nước này nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng gần 50% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2018, so với một năm trước đó - trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc lại giảm 18%, mặc dù Nhật Bản là quốc gia đang phải chịu mức thuế suất 25% đánh vào những sản phẩm này.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ống thép công nghệ cao Nhật Bản của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang nở rộ. Khác với tính truyền thống của những sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc, đây là sản phẩm có tính cạnh tranh cao và không thể dễ dàng được thay thế bởi các nhà sản xuất Mỹ.
Mặc dù vậy, các nhà sản xuất thép hàng đầu Hàn Quốc như POSCO và Hyundai Steel, sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề từ quy định hạn ngạch bởi thị trường Mỹ chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu của họ. Những khó khăn sẽ chỉ được cảm nhận nhiều nhất ở những công ty nhỏ hơn như Husteel, Nexteel và Seah Steel, nơi mà thị trường Mỹ là quan trọng vì nó chiếm đến 70% tổng lượng xuất khẩu của họ.
Dữ liệu từ Cục Quản trị thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy giá trị thép ống xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ đã tăng vọt 84% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với một năm trước đó, lên mức 190 triệu USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm này từ Hàn Quốc sang Mỹ đạt mức 831 triệu USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra giải pháp rằng những quốc gia bị áp hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Hàn Quốc, có thể nộp đơn xin miễn giảm. Tuy nhiên, những nhà sản xuất không có cơ sở hoạt động tại Mỹ sẽ không thể áp dụng giải pháp này một cách trực tiếp mà họ cần sự trợ giúp từ các khách hàng. Điều này là khá phức tạp và tốn thời gian.
Katsuhiro Miyamoto, Phó Chủ tịch của nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp., nhận định: "Năng lực sản xuất của chúng tôi ở Mỹ là khoảng 7,1 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với số lượng xuất khẩu sang nước này trong năm ngoái, khoảng 600.000 tấn”.
Do đó, theo nhà lãnh đạo này, giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ giảm sút, Hàn Quốc và Nhật Bản đã và đang đẩy mạnh các chuyến hàng đến những thị trường khác đang tăng trưởng như Ấn Độ. Các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm khách hàng mới và sẽ được hưởng lợi khi giá thép toàn cầu tăng cao vì những căng thẳng và bất ổn về thương mại với Mỹ.
Nguồn: Phương Nga/BNEWS/TTXVN