Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vừa đăng công báo về kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Công Thương cho biết, USITC cho rằng việc chấm dứt áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có khả năng khiến ngành sản xuất trong nước tiếp tục chịu thiệt hại đáng kể.
Tại Việt Nam, bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra là Công ty CS Wind Corporation và Công ty TNHHH CS Wind Việt Nam (gọi chung là CS Wind Group) được xác định biên độ phá giá là 51,50%. Tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Việt Nam được xác định biên độ phá giá cuối cùng là 58,49%.
Các doanh nghiệp ô tô “thấp thỏm lo âu” trước nguy cơ Mỹ áp thuế
Theo nguồn tin Reuter, nhiều nhà chế tạo xe ô tô đều lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ và doanh số bán xe, song một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra là liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thông qua việc áp thuế lên đến 25% đối với xe và linh kiện ô tô nhập khẩu hay không.
Dự kiến, ông Trump sẽ đưa ra quyết định vào giữa tháng Năm, nhưng một số quan chức cho rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tìm cách trì hoãn việc đưa ra quyết định cuối cùng và sẽ chỉ sử dụng “lời đe dọa” để làm đòn bẩy giành được sự nhượng bộ trong đàm phán thương mại với Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, Joel Prakken dự đoán doanh số bán xe mới tại Mỹ trong năm 2019 sẽ giảm khoảng 500.000 chiếc so với năm 2018 xuống 16,8 triệu chiếc. Tuy nhiên, lệnh áp thuế có thể làm giảm doanh số bán thêm 2 triệu xe và tác động tiêu cực đến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
FDI vào Trung Quốc tăng 8% trong tháng 3/2019
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/4 cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong các tháng 1- 3/2019 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước lên 242,28 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 36,19 tỷ USD. Riêng FDI từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng 71,3%. Riêng trong tháng 3/2019, FDI vào Trung Quốc tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 95,17 tỷ NDT, tăng mạnh so với mức 62,94 tỷ NDT của tháng 2/2019.
Tiêu dùng vẫn là động lực thúc đẩy nhu cầu, đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2019.
Nga tuyên bố giúp Cuba, Venezuela vượt qua trừng phạt của Mỹ
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ chống lại các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của Mỹ áp đặt với Cuba và Venezuela, và sẽ làm tất cả để ủng hộ các đồng minh chiến lược.
Ông Ryabkov cũng nhấn mạnh: "Tất cả những điều này hoàn toàn không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ chống lại điều này. Venezuela và Cuba là đồng minh của chúng tôi trong khu vực, đây là những đối tác chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm tất cả có thể để các nước này thấy được sự ủng hộ của chúng tôi".
Kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong 2 năm liên tiếp
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định do tác dụng của các biện pháp kích thích suy yếu, tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 2,3% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được IMF đưa ra hồi tháng 1/2019, và tụt sâu hơn xuống 1,9% trong năm 2020.
Báo cáo của IMF cho rằng mặc dù chậm lại nhưng dự báo tăng cho năm 2019 vẫn cao hơn mức tăng dự kiến của chính phủ Mỹ.
BoK hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc
Ngày 18/4, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của "xứ sở kim chi" trong năm nay do đà sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu và sự bất ổn liên quan tới căng thẳng thương mại. Cụ thể, BoK dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong năm nay đạt 2,5%, giảm 0,1% so với dự báo công bố hồi tháng 1 vừa qua.
Tổng thống Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 26/4
Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington vào ngày 26/4 tới để thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có thương mại.
Phát biểu trước báo giới sau vòng đàm phán đầu tiên kéo dài hai ngày từ 15-16/4 tại Washington, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết hai bên đã bắt đầu đàm phán thương mại về các loại hàng hóa như nông sản, ô tô, đồng thời nhất trí khởi động đàm phán về thương mại số, trong đó có thương mại điện tử, vào một thời điểm thích hợp.
Kinh tế Mỹ bị tác động bởi thiếu hụt lao động và bất ổn thương mại
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/4 cho biết kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở “nhịp độ từ nhẹ đến vừa phải” song tình trạng thiếu hụt lao động và bất ổn thương mại tiếp tục tác động bất lợi tới triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động đã thúc đẩy mức tăng lương và các khoản phúc lợi cho người lao động, song hiện không có những dấu hiệu đáng quan ngại về sức ép lạm phát được nhắc tới trong báo cáo "Sách Be" của Fed.
Mỹ - Trung sẽ ký thỏa thuận thương mại mới vào tháng 5/2019
Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực làm việc để hoàn tất một thỏa thuận thương mại mới, với lễ ký kết thỏa thuận này dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2019.
Theo lịch trình dự kiến này, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tới Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán trực tiếp mới, có thể bắt đầu từ ngày 29/4 tới. Tham gia phái đoàn tới Trung Quốc còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán tới Washington trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 6/5 tới.
Hàn Quốc công bố chiến lược ngành công nghiệp phá dỡ nhà máy điện nguyên tử
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, quy mô thị trường phá dỡ nhà máy điện nguyên tử trên toàn thế giới được ước tính hơn 480 tỷ USD. Xét tới tuổi thọ thiết kế của các nhà máy điện nguyên tử, dự kiến thị trường toàn cầu sẽ chính thức được mở rộng từ giữa những năm 2020.
Trong khi đó, thị trường phá dỡ nhà máy điện nguyên tử tại Hàn Quốc ước tính có giá trị tối thiểu 22.500 tỷ won (19,8 tỷ USD). Tại Hàn Quốc, có 12 nhà máy điện nguyên tử sẽ hết tuổi thọ thiết kế trước năm 2030. Do đó, từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ đấu thầu sớm 25 hạng mục chuẩn bị cho việc phá dỡ, trước khi chính thức bắt tay phá dỡ nhà máy điện nguyên tử Kori số 1 ở thành phố Busan.
EC công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bị áp thuế
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu trị giá 20 tỷ USD từ Mỹ có thể bị áp thuế như một sự đáp trả việc Mỹ trợ cấp cho Boeing. EU công bố danh sách trên sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã đề xuất một danh sách các hàng hóa của EU sẽ chịu thuế, bao gồm từ máy bay thương mại đến các sản phẩm bơ sữa và rượu, phản ứng trước động thái EU trợ cấp cho Airbus đến 11 tỷ USD (theo ước tính của Mỹ).
Danh sách mà EU vừa công bố sẽ được lấy ý kiến tham vấn cho đến ngày 31/5 và có thể được điều chỉnh sau đó.
Mỹ từ chối miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ Pakistan
Phát biểu trước Ủy ban thường trực về Thương mại và Dệt may của Quốc hội Pakistan ngày 16/4, Abdul Razak Dawood - Cố vấn của Thủ tướng Pakistan về Thương mại, dệt may và công nghiệp - cho biết Pakistan muốn Mỹ miễn thuế cho hàng hóa của nước này nhưng chưa nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cũng theo ông Dawood, Trung Quốc đã đồng ý nới lỏng thuế đối với nhiều hàng hóa của Pakistan hơn trong giai đoạn 2 của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA-II), dự kiến sẽ được ký vào ngày 28/4 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan Imran Khan tới Bắc Kinh.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/4 công bố báo cáo cho hay, kinh tế nước này tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019, mạnh hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, bất chấp những áp lực từ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thương mại với Mỹ và cuộc chiến nợ công.
Như vậy, mức tăng trưởng 6,4% trong quý đầu năm theo thống kê của NBS cao hơn mức dự báo tăng trưởng 6,3% mà các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin AFP. Đây là nhịp độ tăng trưởng kinh tế đáng mơ ước của hầu hết các nước, đồng thời nó cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định sau khi chứng kiến đà giảm tốc trong từng quý của năm ngoái.
Nhật Bản và Mỹ tạo lập những tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực thương mại số
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho hay hai quan chức Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các vấn đề thương mại cũng như sự cần thiết tạo lập những tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực thương mại số.
Phát biểu trước báo giới sau vòng đàm phán đầu tiên kéo dài hai ngày từ 15-16/4 tại Washington, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết hai bên đã bắt đầu đàm phán thương mại về các loại hàng hóa như nông sản, ô tô, đồng thời nhất trí khởi động đàm phán về thương mại số, trong đó có thương mại điện tử, vào thời điểm thích hợp.
Thu ngân sách của Trung Quốc đạt khoảng 800 tỷ USD trong quý I
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc, trong quý I/2019, thu ngân sách của Trung Quốc đạt khoảng 2.530 tỷ NDT, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, còn thu ngân sách của các địa phương ở nước này đạt khoảng 2.830 tỷ NDT, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, chi ngân sách của Trung Quốc trong quý I/2019 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018 lên hơn 5.860 tỷ NDT.
Đâu là "giới hạn đỏ" trong đàm phán thương mại EU - Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đặt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm nay.
Tuyên bố trên được Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom đưa ra ngày 15/4 trong bối cảnh khối này và Mỹ vẫn đang vướng vào cuộc tranh chấp thương mại.
Nguồn: VITIC Tổng hợp/TTXVN

Nguồn: vinanet