Tính đến hết tháng 10/2017, Việt Nam thu hút được 24.397 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 312,9 tỷ USD, đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. FDI đầu tư vào 18/21 ngành, lĩnh vực của Việt Nam và rải khắp tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, từ 2% vào năm 1992 lên tới 19% vào năm 2016. Cùng với đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng mạnh, năm 2012 chiếm 64%, đến năm 2015 chiếm 70,5% và năm 2016 xuất khẩu của khu vực FDI đạt 126,28 tỷ USD, chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. FDI cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001- 2010). Đến năm 2016, khu vực FDI đóng góp vào thu ngân sách khoảng 7,1 tỷ USD, chiếm 20% tổng thu nội địa và 15% tổng thu ngân sách cả nước.

Hiện, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng… FDI góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, khu vực FDI còn một số tồn tại, hạn chế như: mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ chưa được như kỳ vọng. Ông Wim Douw - Chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới (WB) - cho rằng: Thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua dựa chủ yếu vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ và những ưu đãi đầu tư lớn, chất lượng nguồn vốn FDI chưa được chú trọng. Tuy nhiên, lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần. Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực có nhiều thay đổi, các quốc gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần thay đổi tư duy về thu hút đầu tư. "Thay vì thu hút dựa vào ưu đãi và lao động giá rẻ, Việt Nam cần thu hút FDI dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ và chuỗi sản xuất. Thay vì thu hút bằng mọi giá, các địa phương cần tập trung thu hút có chọn lọc vào những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa đến nền kinh tế trong nước" - ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoan 2018- 2022. Dự thảo được kỳ vọng sẽ chấm dứt những tồn tại sau 30 năm thu hút FDI, lái dòng vốn FDI bước vào một giai đoạn mới, trong đó chất lượng dòng vốn được chú trọng.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn