Hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường. Xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Trong nước, nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.
Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, ngày 01/01/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý 1 các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý 1/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý 1/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý 1/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng quý 1 năm nay giảm 2,2%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,71%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 10,35%; 35,31%; 43,72%; 10,62%).
Trên góc độ sử dụng GDP quý 1, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 6,2%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.

Đầu tư
Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong quý 1/2019 chủ yếu tập trung vào hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 1/2019 theo giá hiện hành đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng vốn và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 158 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% và tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% và tăng 7,5%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý 1/2019 ước tính đạt 50,8 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với quý I/2018 (cùng kỳ năm trước bằng 14% và tăng 10,3%), gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch năm và giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 1.314 tỷ đồng, bằng 17,9% và giảm 58,5%; Bộ Y tế 614 tỷ đồng, bằng 11,6% và tăng 22,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 372 tỷ đồng, bằng 11,3% và giảm 55,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 159 tỷ đồng, bằng 12,4% và tăng 1,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 142 tỷ đồng, bằng 10,8% và giảm 22,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 101 tỷ đồng, bằng 13,5% và giảm 11,8%; Bộ Khoa học và Công nghệ 43 tỷ đồng, bằng 14,1% và tăng 46,3%; Bộ Xây dựng 34 tỷ đồng, bằng 13,8% và giảm 1,3%; Bộ Công Thương 30 tỷ đồng, bằng 12,2% và giảm 5,9%; Bộ Thông tin và Truyền thông 20 tỷ đồng, bằng 12,5% và tăng 21,5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 44,5 nghìn tỷ đồng, bằng 14,9% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, bằng 14,3% kế hoạch năm và tăng 10,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% và tăng 11,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% và tăng 12,5%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 6.691 tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 3.012 tỷ đồng, bằng 8,2% và tăng 22,4%; Thanh Hóa 1.649 tỷ đồng, bằng 21,1% và tăng 17,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.479 tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 17,9%; Quảng Ninh 1.373 tỷ đồng, bằng 11,9% và tăng 30,7%; Quảng Nam 1.315 tỷ đồng, bằng 17,7% và tăng 12,6%; Nghệ An 1.291 tỷ đồng, bằng 23,5% và giảm 1%; Vĩnh Phúc 1.265 tỷ đồng, bằng 20,3% và tăng 1,4%; Hải Phòng 1.205 tỷ đồng, bằng 13,3% và tăng 4%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2019 thu hút 785 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.821,4 triệu USD, tăng 27% về số dự án và tăng 80,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 279 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1.298,4 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đạt 5.119,8 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 4.120 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 3 tháng năm 2019 còn có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 5,69 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 588 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,79 tỷ USD và 1.065 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,9 tỷ USD.
Trong 3 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.876,5 triệu USD, chiếm 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 497,7 triệu USD, chiếm 13%; các ngành còn lại đạt 447,2 triệu USD, chiếm 11,7%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng năm nay đạt 4.026,2 triệu USD, chiếm 78,6% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 505,6 triệu USD, chiếm 9,9%; các ngành còn lại đạt 588 triệu USD, chiếm 11,5%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.372,2 triệu USD, chiếm 76,9% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 302,7 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 1.010,8 triệu USD, chiếm 17,8%.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Tổng cục Thống kê

Nguồn: Vinanet