Quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ 0,5 – 0,75%/năm lên 0,75 – 1%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 15/3 vừa qua được cho là sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại của Việt Nam, nhất là tác động trong hoạt động xuất nhập khẩu, khi đồng USD mạnh lên.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư, công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tham chiếu thêm +0,6%, làm giảm áp lực tỷ giá khi FED nâng lãi suất lần này. Việt Nam còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác.
Theo dự báo trước đây của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) từng cho rằng năm 2017, đồng USD có xu hướng mạnh lên. Trong năm nay, lộ trình thắt chặt tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng sẽ được đẩy nhanh hơn.
Xuất khẩu với USD mạnh
Cũng theo VCBS, áp lực từ bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên, đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm 2016; nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực sẽ giảm giá mạnh.
Động thái tăng lãi suất của FED sẽ làm đồng USD trở nên mạnh hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với những tác động đáng kể đến nhiều nền kinh tế mới nổi, nhất là những quốc gia dựa vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản như Việt Nam.
Điều này cũng được ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, lưu ý khi trao đổi với báo chí về việc FED tăng lãi suất. Ông Hải cho biết, khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh.
Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ tác động tới xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát tốt.
Xét về xuất khẩu, Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hai tháng đầu năm 2017 đã tăng trên 54% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 3,8 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước trong hai tháng đầu năm. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Trong khi đó, sau quyết định của FED, sự biến động của các đồng tiền trong khu vực là điều đáng lưu tâm. Đơn cử như Trung Quốc, sau quyết định của FED, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường thêm 0,2%/năm, từ 2,25%/năm lên 2,45%/năm đối với kỳ hạn 7 ngày. Theo PBOC, quyết định của FED là nguyên nhân để nâng lãi suất, nhằm giữ đồng Nhân dân tệ không bị mất giá.
Cạnh tranh về giá
Thực tế cho thấy, do các mặt hàng cơ bản của Việt Nam khi xuất khẩu thường được định giá bằng đồng USD, nên việc đồng USD mạnh lên càng khiến giá các mặt hàng cơ bản này giảm hơn nữa.
Nếu xét về cán cân thương mại, năm 2016, Mỹ là thị trường Việt Nam vẫn giữ được mức xuất siêu với 29,4 tỷ USD (tăng 14,8% so với năm 2015). Giới chuyên gia cho rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm 22%, chủ yếu là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da, giày… nên Việt Nam được hưởng lợi khi USD tăng giá. Đây cũng là thời cơ để gia tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khi giá đồng USD tăng mà đồng VND ổn định, giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước sẽ đắt đỏ hơn và doanh nghiệp (DN) Việt có thể mất tính cạnh tranh trên hàng xuất khẩu.
Do đó, theo nhận định của ông Hiếu, có thể tại một thời điểm nào đó, nếu áp lực quá lớn, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh tăng tỷ giá tiền đồng để hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước khác rẻ hơn.
Giới chuyên gia quan ngại rằng với việc tăng lãi suất đồng USD của FED, chuyện huy động ngoại tệ sẽ có cơ hội gia tăng thêm. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ gia tăng thu USD sau đó mua nguyên phụ liệu giá rẻ từ nước ngoài rồi nhập vào Việt Nam tiêu thụ.
Điều này dễ dàng được lý giải bởi giá nguyên liệu hàng hóa của Việt Nam chịu tác động lớn của giá hàng hóa. Việt Nam xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô và nhập khẩu thành phẩm vốn cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của giá nguyên liệu hàng hóa.
Vấn đề này diễn ra trong bối cảnh tháng 2/2017 vừa qua, khi các DN FDI đã nhập khẩu hàng hóa đến 16,3 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các DN FDI bắt đầu vào kỳ sản xuất của năm 2017 nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng cao. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2017, ước nhập siêu 46 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu.
Cần lưu ý thêm, trong nhận định gần đây, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng xu hướng co giãn của cầu nhập khẩu theo thu nhập đã giảm rõ rệt từ năm 2011 đến nay tại hầu hết các nền kinh tế APEC và trên toàn cầu, nhất là ở nước đang phát triển, đang đặt ra một thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, khi giá cả thế giới phục hồi, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong khi xuất khẩu tăng yếu (do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng yếu) nên sẽ tạo áp lực rất lớn lên cán cân vãng lai trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Nguồn:Thế Vinh/Thoibaokinhdoanh.vn