Trong phiên giao dịch gần nhất, giá quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên Trung Quốc tăng kịch trần 10%, lần đầu tiên vượt mốc 200 USD/tấn.
Các hợp đồng kỳ hạn của thép thành phẩm ở Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải cũng tăng hết biên độ cho phép 6%.
Không chỉ tại Trung Quốc, giá thép cũng tăng phi mã trên toàn cầu. Tại Việt Nam, từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng thép xây dựng đã tăng mạnh gần 50%.
Trung Quốc triển khai biện pháp hạ nhiệt giá sắt thép tăng kỷ lục
Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất toàn cầu, vừa công bố hàng loạt biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường này, sau khi giá quặng sắt tăng đột biến gần đây do nhu cầu thép tăng mạnh và mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Từ ngày 11/5, các sàn giao dịch hàng hóa Trung Quốc đã nâng mức giới hạn giao dịch và tăng mức ký quỹ bắt buộc đối với một số hợp đồng quặng sắt giao tháng 6, 9, 10 và 12, cũng như từ tháng 1 đến tháng 4/2022.
Vì sao giá quặng sắt, thép tăng phi mã? - Ảnh 1.
Quặng sắt là nguyên liệu chính trong sản xuất thép. (Ảnh minh họa: Reuters)
Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải cho biết sẽ khôi phục quy định đóng phí cho các hợp đồng thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng kỳ hạn tương lai giao dịch nhiều nhất (hiện là kỳ hạn tháng 10) ở mức 0,01% tổng giá trị giao dịch.
Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên trên trang mạng chính thức cũng cảnh báo, những người tham gia thị trường hãy kiểm soát rủi ro trong bối cảnh giá quặng sắt tăng quá mạnh.
Nguyên nhân giá quặng sắt, thép tăng cao
Là mặt hàng nổi bật trong nhóm kim loại về tốc độ tăng giá, giá quặng sắt - nguyên liệu chính trong sản xuất thép, đã tăng 135% trong một năm qua.
Hệ quả là giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ cũng đã đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào tháng 4/2021 và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Mức giá hiện nay đã cao gấp 3 lần so với năm 2020. Ở châu Âu, xu hướng giá tăng cũng tương tự.
Vậy nguyên nhân nào khiến giá quặng sắt và thép tăng phi mã như vậy? Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Keith Tan, Phó Giám đốc mảng Giá hàng hóa Kim loại của Công ty cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts chi nhánh tại Thượng Hải để tìm hiểu lý do của câu chuyện này.
Phóng viên: Giá kim loại đã tăng kỷ lục, vượt qua cả cột mốc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nguyên nhân đằng sau đà tăng giá là gì?
Ông Keith Tan, Phó Giám đốc mảng Giá Kim loại, S&P Global Platts chi nhánh Thượng Hải: Đây là hệ quả của một loạt nguyên nhân. Thứ nhất, đó là nhu cầu cho mặt hàng sắt thép đang tăng bất thường khắp mọi nơi khi chính phủ các nước tung ra các gói kích thích kinh tế, chi tiêu mạnh vào cơ sở hạ tầng sau dịch bệnh. Tuy nhiên, nguồn cung lại thiếu hụt.
Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất, giảm sản xuất để bảo vệ môi trường. Đáng nói, lợi nhuận hoạt động sản xuất thép của nước này hiện tăng lên mức cao nhất 1 thập kỷ nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập quặng sắt về để sản xuất. Giá quặng sắt cứ thế tăng. Theo số liệu mới nhất, 70% lượng quặng sắt nhập khẩu trên đường biển đang được vận chuyển tới Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ hai được là do số lượng hợp đồng phái sinh của quặng sắt đang được giao dịch toàn cầu tăng đột biến. Riêng ngày 11/5 là hơn 14.000 hợp đồng, tăng từ 2 - 2,3 lần so với bình thường. Chưa biết là có hiện tượng đầu cơ hay không, nhưng nhà đầu tư đang đổ sang giao dịch hợp đồng phái sinh nhiều cũng đẩy giá quặng sắt tăng cao.
Phóng viên: Vậy bức tranh về giá sắt thép hay kim loại nói chung trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Ông Keith Tan, Phó Giám đốc mảng Giá Kim loại, S&P Global Platts chi nhánh Thượng Hải: Nếu những lần siêu chu kỳ hàng hóa trong quá khứ, chính phủ các nước đã can thiệp để điều chỉnh đà tăng, thì lần này họ cũng cần lường trước được những rủi ro và tung ra các biện pháp phòng tránh. Động thái hạ nhiệt sớm của Trung Quốc ngày 11/5 có thể được xem là một ví dụ thông qua siết chặt hạn mức giao dịch và tăng ký quỹ với hợp đồng quặng sắt.
Tuy nhiên, tôi nghĩ các nước cũng ở trong một tình huống khó xử khi vừa phải kiểm soát sản xuất, vừa phải kích cầu tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế.

Giá quặng sắt, thép nguyên liệu khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Thực tế cho thấy, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao, các nhà sản xuất sẽ không thể chịu đựng mãi được, lúc này gánh nặng chi phí sẽ được chuyển sang cho chính người tiêu dùng.
Các công ty thép trong nước đồng loạt công bố tiếp tục tăng giá thép
Rõ ràng, giá quặng sắt, thép nguyên liệu sẽ khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn và như chuyên gia nhận định người tiêu dùng sẽ là bên phải gánh một phần chi phí tăng giá này. Hệ quả thấy ngay lập tức đó là lần thứ hai trong tháng 5 này, các công ty thép trong nước đã đồng loạt công bố mức tăng giá thép xây dựng khoảng 500 đồng/kg tùy loại. 
Theo giá bán được công bố sáng 12/5, Công ty thép Hòa Phát điều chỉnh tăng giá bán thép cây và thép cuộn thêm 500 đồng/kg so với giá bán hiện tại trên phạm vi toàn quốc. Trong khi Công ty thép Việt Đức cũng tăng giá thép cây D10 các chủng loại thêm 600 đồng/kg áp dụng tại miền Bắc và miền Trung. Cập nhật đến hiện tại, mức giá mặt hàng thép xây dựng (chưa bao gồm thuế) là khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Bộ Tài chính: Cần cân nhắc trong đặt vấn đề giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương lên Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá, đại diện Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, việc đặt vấn đề giảm thuế nhập khẩu với thép thành phẩm thời điểm này cần được cân nhắc, để tránh ảnh hưởng ngành thép trong nước.
Hiện nay, thuế suất nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất thép dao động từ 0% - 3%, tùy loại, để thúc đẩy sản xuất thép trong nước. Còn thuế suất nhập khẩu thép thành phẩm hiện là 15% với thép hình, thép góc và 20% với thép que.
Theo Bộ Tài chính, đây là các mức thuế tuân thủ theo cam kết quốc tế và các quy định thuế xuất nhập khẩu.
Với các biện pháp thuế tự vệ, Bộ Công Thương hiện đang áp dụng mức tự vệ 15,3% với phôi thép nhập khẩu, và mức 9,4% với thép dài và sẽ giảm dần trong 2 năm tới.
Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, có thể xem xét điều chỉnh các chính sách thuế tự vệ này để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước. Bên cạnh các giải pháp về thuế để bình ổn thị trường thép, quan trọng hơn cả là cần phải chú trọng các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước.

Nguồn: vtv.vn