"Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển hướng đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các công ty đang tìm cách thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng và chuyển bớt cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc. Nhiều công ty đa quốc gia đang lên kế hoạch đầu tư mới có thể sẽ áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" để đa dạng hóa và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng thương mại nào trong tương lai. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến "+1" được yêu thích".
Ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng, nêu quan điểm với VnEconomy.
"Vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng mạnh"
Dựa vào đâu để nói Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thưa ông?
Chúng tôi nghĩ rằng hầu hết các công ty đa quốc gia (MNC) sẽ tiếp tục cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ, áp dụng mạng lưới cung ứng linh hoạt hơn và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN sẽ có lợi khi các công ty đa quốc gia áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một nước hưởng lợi lớn từ sự phá vỡ chuỗi cung ứng tập trung quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay. Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được giảm bớt do sự dịch chuyển và đa dạng hóa trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.
Một số dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi lớn này. Cụ thể, FDI trong 4 tháng đầu năm 2019 tại Việt Nam thiết lập kỷ lục mới là một ví dụ rõ ràng nhất. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh vốn đạt tới 7,45 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số liệu khác cũng phản ánh sự dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam là góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ, tăng hơn 3 lần so với 4 tháng đầu năm 2018.

Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự chuyển hướng nhu cầu và xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng

Tăng trưởng xuất khẩu tích cực của Việt Nam (+7,5% ngày 19 tháng 4; 5,1% trong quý 1/2019), trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm đang diễn ra ở tất cả các nước còn lại của châu Á, bao gồm Singapore (-8,9% trong quý 1/2019), Thái Lan (-1,6%), Hàn Quốc (-8,5%) và Đài Loan (-4,5%) tính theo USD.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với những lĩnh vực thuộc diện bị xem xét và qui định bởi hàng rào thuế quan (cao hơn) với sản phẩm từ Trung Quốc, đang tăng mạnh mẽ. Đó là các mặt hàng trong lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, các linh kiện máy tính và điện tử, điện thoại.
Điều này cho thấy Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự chuyển hướng nhu cầu và xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Chúng tôi cho rằng FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng mạnh và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong năm 2019.
Việt Nam, theo ông, vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực?
Đúng. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển hướng đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các công ty đang tìm cách thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng và chuyển bớt cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc.
Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore vẫn là những nhà đầu tư FDI lớn nhất, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng vốn FDI từ các công ty Trung Quốc kể từ đầu năm 2019.
Trong bốn tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 210% so với năm trước, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào các dự án mới nhiều hơn gấp bốn lần (+470%). Chúng tôi hy vọng nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục duy trì đà tăng và hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019.
Ngay cả khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký kết trong những tháng tới, các công ty đa quốc gia đang lên kế hoạch đầu tư mới có thể sẽ áp dụng chiến lược "Trung Quốc+ 1" để đa dạng hóa và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng thương mại nào trong tương lai. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến "+1" được yêu thích.
Thế còn những rủi ro?

Chúng tôi cho rằng FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng mạnh và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong năm 2019.

Ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng

Có hai rủi ro chính trong năm nay.
Thứ nhất đó là xuất khẩu của Việt Nam có thể yếu hơn kì vọng, đặc biệt là nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại hoặc nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm hơn so với các dự báo đầu năm.
Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng có thể bị chậm lại do những bất ổn hoặc lo ngại liên quan đến việc xử lý các vụ tham nhũng hay các sai phạm trước đây. Tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển nhượng đất đai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra, rà soát hay xử lý.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể làm gì để tận dụng cơ hội, thúc đẩy thị trường phát triển?
Việt Nam cần kiên định tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mở cửa sâu rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn sẵn có, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn tài chính trong nước có sự thắt chặt hơn (ví dụ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và một số các quy định thắt chặt hơn trong cho vay).
Chính phủ nên tiếp tục các cam kết thoái vốn quyết liệt tại các công ty, ngành nghề không mang tính chiến lược và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty nhà nước đã niêm yết.
Đối với chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể dần dần chuyển sang việc điều hành chính sách dựa trên qui luật thị trường và qui luật giá; dần xóa bỏ cách thức điều hành theo mục tăng trưởng tín dụng định lượng. Sự thay đổi như vậy sẽ giúp đảm bảo phân bổ vốn hiệu quả hơn và tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn.
Bao giờ nâng hạng thị trường chứng khoán?
Giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Theo ông là khi nào Việt Nam được nâng hạng?
Ủy ban Chứng khoán cũng như hai sở giao dịch đã rất nỗ lực trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, trong việc đưa thị trường Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực của thị trường mới nổi, quy định bởi 2 đơn vị đánh giá chính là FTSE Russell và MSCI.
FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét vào tháng 9 năm ngoái và nếu thuận lợi có thể công bố Việt Nam đạt chuẩn nâng hạng ngay trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, với MSCI có vẻ sẽ mất thời gian hơn. Chính vì vậy, trong cuộc họp vào đầu năm 2019, đại diện của Uỷ ban Chứng khoán cho rằng phải mất 1-2 năm nữa.
Maybank Kim Eng và các khách hàng là các định chế tài chính lớn đã và đang rất tích cực hỗ trợ để Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình này.
Nhận định gì về cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng vào thời gian tới?
Việt Nam có cơ hội tốt để được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi từ mức thị trường cận biên hiện tại. Việc nới lỏng hơn nữa các quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện thanh khoản thị trường và loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không cần thiết sẽ giúp cho việc nâng hạng của Việt Nam.
 Nguồn: Tú Uyên/VnEconomy