Ngày hôm qua 4/8, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU (EV FTA).

Sau thành công của đoàn đàm phán, ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thành viên Đoàn đàm phán của Việt Nam, đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên VTV1.

Phóng viên: Thưa ông Lê Triệu Dũng, đánh giá về FTA lần này thì EuroCharm, Phòng thương mại công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã đánh giá là FTA này sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10-15% so với hiện nay và giúp cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30-40%, và ngược lại sẽ giúp xuất khẩu EU vào Việt Nam tăng 20-25%. Liệu những đánh giá này có lạc quan quá không thưa ông?

Ông Lê Triệu Dũng: Tôi cho rằng trên cơ sở tiềm năng quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU thì đánh giá của EuroCharm không phải là không có cơ sở. Một nghiên cứu đã đánh giá rằng hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp nền kinh tế của chúng ta tăng thêm 0,5 điểm phần trăm GDP mỗi năm và giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 4-6% mỗi năm.Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang EU như hiện nay thì tới năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU nhờ có FTA sẽ tăng thêm 16 tỷ USD.

Hiện nay thì mức thuế quan trung bình mà hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU đang là bao nhiêu thưa ông?

Tùy từng mặt hàng, tuy nhiên, đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, ví dụ như dệt may, hàng của chúng ta đang chịu mức thuế khoảng 6-12% hay da giầy từ 8-16%.

Sau khi thực hiện hiệp định hoặc sau một thời gian ngắn thì trên 90% các dòng thuế mà EU áp dụng với hàng Việt Nam sẽ xuống 0%.

Lộ trình mở cửa của EU sẽ nhanh hơn về phía Việt Nam, đây là nguyên tắc mà EU và Việt Nam đã thống nhất ngay từ đầu trong giai đoạn đàm phán, đó là công nhận sự khác biệt về trình độ phát triển để dành cho Việt Nam một lộ trình cắt giảm thuế quan dài hơn.

Thưa ông, một trong những đối thủ lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam tại EU, là Trung Quốc, ngay cả những mặt hàng mà Việt Nam hiện nay đang có thế mạnh tại thị trường EU như dệt may, da giầy thì chúng ta cũng gặp đối thủ rất lớn là Trung Quốc. Vậy, theo ông đánh giá với FTA lần này thì tương quan giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc trên thị trường EU sẽ thay đổi như thế nào?

Chúng ta sẽ phân tích chính xác hơn nếu chúng ta đánh giá, so sánh việc chúng ta có FTA so với các nước chưa có FTA khi xuất khẩu vào thị trường EU (Trung Quốc chưa có FTA). Với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta sang thị trường EU thì sau một thời gian ngắn hiệp định có hiệu lực thì chúng ta sẽ được hưởng thuế suất 0% từ mức thuế hiện nay chúng ta đang phải chịu tương đối cao, ví dụ như giày dép 8-16% hay dệt may 6-12%. Mức thuế đưa về 0% sẽ tạo ra lợi thế lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Dường như tất cả các quy định đã nằm trong TPP, liệu đây có phải là bước tập dượt, chuẩn bị để chúng ta tiến tới TPP?

Các Hiệp định FTA thế hệ mới có sự tham gia của Hoa Kỳ và EU thì đều có phạm vi rất rộng, không chỉ giới hạn ở thương mại dịch vụ, hàng hóa mà bao gồm cả đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững, bao gồm cả vấn đề môi trường, lao động. Như vậy, phạm vi khá là tương đồng với nhau.

Tôi được biết rằng những tiêu chuẩn liên quan đến lao động, công đoàn lần này khá mới mẻ với Việt Nam và được đánh giá là những tiêu chuẩn mang tính chất nhạy cảm. Ông có thể bổ sung gì về vấn đề này?

Các tiêu chuẩn trong hiệp định FTA của EU đều tương đồng với các tiêu chuẩn mà tổ chức lao động quốc tế đề ra (ILO). Do đó, trong hiệp định với Việt Nam thì hai bên cũng đã thảo luận vấn đề này và cách tiếp cận của EU mang tính hợp tác để 2 bên có thể thực hiện được những quy định, quyền, nghĩa vụ của ILO, không có vấn đề trừng phạt hay trả đũa. Do đó cách tiếp cận của EU khá tích cực để hai bên có thể thực hiện tốt nghĩa vụ là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Minh Quân (lược ghi)

Theo VTV1

Nguồn: VTV