Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm (loại đồ) giá giảm 12 USD/tấn xuống 420 – 424 USD/tấn, xa rời mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 đạt được cách đây 2 tuần.
“Nhu cầu yếu. Khách hàng trì hoãn mua, dự kiến giá sẽ còn giảm hơn nữa”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Theo thông tin của chính phủ Ấn Độ, xuất khẩu gạo non-basmati của nước này giai đoạn tháng 4- tháng 12/2017 đã tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 6,34 triệu tấn, do xuất mạnh sang các thị trường Bangladesh và Benin.
Tuy nhiên, mới đây Bangladesh thông báo huỷ kế hoạch nhập khẩu 150.000 tấn gạo Thái Lan (đã thoả thuận từ tháng 10 năm ngoái với giá 465 USD/tấn).
“Chúng tôi huỷ kế hoạch bởi quá lâu chưa chốt được hợp đồng. Chúng tôi đang mua gạo của nước láng giềng Ấn Độ, đồng thời cũng bắt đầu thu mua trên thị trường trong nước”, ông Badrul Hasan, giám đốc cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm hiện giá giảm xuống 400- 419 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 420 – 430 USD/tấn một tuần trước đây.
“Nhiều nhà xuất khẩu đang chờ đợi thông tin từ những thị trường lớn như Indonesia, Philippines, Iran và Trung Quốc, nhưng cho tới nay vẫn chưa có hợp đồng mới nào”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
“Giá không biến động nhiều trong tuần này vì nhiều nhà máy đóng cửa trong dịp Tết cổ truyền của một số quốc gia”.
Tết âm lịch không phải là ngày lễ chính thức ở Thái Lan, nhưng nhiều doanh nhân vẫn ngừng hoạt động trong dịp này.
Tỷ giá hối đoái (đồng bath vững lên) là một trong những lý do khác khiến nhu cầu gạo xuất khẩu của Thái Lan sụt giảm.
Ngành lúa gạo Thái Lan mới đây đã kêu gọi chính phủ kiềm chế đồng baht tăng để bảo vệ hoạt động xuất khẩu, sau khi đồng tiền này đã tăng giá lên mức cao kỷ lục hơn 4 năm vào cuối năm 2017.
Theo ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, đồng Baht mạnh sẽ khiến cho giá hàng xuất khẩu đắt đỏ hơn khi tính theo USD, có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường toàn cầu.
Ông Charoen nói: "Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi trong thời gian qua là đồng baht mạnh. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ giúp kiểm soát đồng baht vì mức tăng 3% trong vòng 1 tháng của đồng tiền này là quá nhiều. "Nếu không xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ như Việt Nam".
Baht Thái Lan (THB) kết thúc năm 2017 ở mức 31,35 THB/USD, mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2013. Baht đã tăng gần 4% so với đồng USD trong năm nay sau khi tăng 9% trong năm 2017.
Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết có thể mất thị trường châu Phi vì thị trường này thời gian qua mua nhiều gạo cũ (gạo tồn trữ) của Chính phủ Thái, nay kho dự trữ đã hết. Gạo vụ mới có giá đắt nên khó tiêu thụ ở thị trường này.
Tuy nhiên, Hiệp hội hy vọng nhiều khách hàng sẽ tăng nhập khẩu trong năm nay vì nguồn cung trong nước của họ bị sụt giảm. Đó là những thị trường Iran, Philippines, Indonesia, Malaysia, Bangladesh và một số nước châu Phi.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, thị trường đóng cửa nghỉ Tết từ 14 đến 20/2/2018.
Tại Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê chuẩn cho Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA) nhập khẩu 250.000 tấn gạo để bổ sung vào kho dự trữ đang cạn kiệt của tổ chức này.
Tồn kho gạo của NFA giảm xuống chỉ còn khoảng 60.000 tấn, chỉ đủ tiêu dùng cả nước trong vòng 2 ngày, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15 ngày theo luật định và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/1995.
Giá gạo tại Philippines đã tăng 3 – 4% từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 và có khả năng tiếp tục tăng, khi dự trữ gạo của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ.
NFA chịu trách nhiệm bình ổn giá gạo nội địa. Tổ chức này cho rằng một số thương nhân đang đẩy giá tăng do thiếu nguồn gạo của NFA cung ứng ra thị trường. “Tổng thống đã phê chuẩn lượng gạo vốn đã bị treo nhập khẩu từ thị trường quốc tế từ trước”, theo thư ký chính phủ Jun Evasco cho biết thêm, một hợp đồng G2G có thể là phương án nhanh nhất để gạo nhập khẩu có thể cập cảng trong vòng 1 tháng, theo giám đốc khu vực của NFA Rex Estoperez, cho biết thêm Việt Nam và Thái Lan có thể là các nhà cung ứng. Năm 2017, NFA chỉ nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Singapore thông qua phiên đấu thầu quốc tế vào tháng 7.
Tuy nhiên, thư ký các vấn đề nông nghiệp Emmanuel Piñol cho rằng tổng tồn kho gạo cả nước, bao gồm của NFA, có thể chạm mốc 3 triệu tấn vào cuối tháng 3, đủ tiêu dùng cho 96 ngày. Sản lượng gạo của Philippines năm 2017 đạt mức cao kỷ lục 19,3 triệu tấn. Tuy nhiên, ông Evasco cho biết Hội đồng NFA đã không phê chuẩn ngay đề xuất nhập khẩu từ NFA để bảo vệ lợi ích của nông dân địa phương.
Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường xuyên đặt hàng từ các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Việt Nam và Thái Lan. Nếu nước này ký hợp đồng nhập khẩu, giá gạo tại khu vực có thể sẽ đảo chiều tăng trở lại.
Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet