Một Trung Quốc đang lên
Trong bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã mới đây, Giáo sư Francesco Mancini nhận định rằng thế giới dường như sẽ bị đảo lộn: “Phương Tây, bao gồm cả châu Âu, đang có xu hướng trở nên khép kín và đang ngày càng lo ngại về các liên minh xuyên quốc gia, các tổ chức khu vực và vấn đề toàn cầu hóa”.
Theo ông Mancini, “tại Diễn đàn Davos mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn nút tái khởi động cho tương lai và có bài phát biểu mà lẽ ra đã phải được công bố bởi một nhà lãnh đạo phương Tây vào những năm 1990”.
Sự thay đổi quan trọng này đã không diễn ra hồi tháng 6/2016, khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, cũng như vào tháng 11/2016, khi cử tri Mỹ bỏ phiếu cho nhân vật hứa hẹn “sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông Mancini giải thích hành động của cử tri nước Anh và Mỹ là những nỗ lực mang tính hoài cổ nhằm quay trở lại một quá khứ huy hoàng đầy ảo tưởng, một thế giới theo đó một số người cảm thấy thoải mái hơn. Liên quan vấn đề này, ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại Davos đã nhấn mạnh thế giới vẫn phải cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thông qua việc mở cửa và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Mancini cũng lưu ý rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định niềm tin của ông ta đối với các giải pháp "cùng thắng" trong những vấn đề toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ hệ thống quản trị toàn cầu hiện là không phù hợp xét khía cạnh tính đại diện và tính dung nạp và vì thế, ông ta cho rằng Trung Quốc cần phải có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế toàn cầu.
Giáo sư Mancini kết luận hiện có hy vọng rằng quan niệm toàn cầu hóa - bao gồm cả sự hợp tác về các vấn đề toàn cầu như đấu tranh chống biến đổi khí hậu, phát triển thương mại và kinh tế - sẽ là cơ sở cho các giá trị quốc gia, các vấn đề trong nước và đường biên giới, và cũng là những gì mà châu Âu cần, nhằm hướng tới một thế giới đoàn kết hơn.
Hay nước Mỹ vĩ đại trở lại
Trong khi đó, Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết “Donald Trump có ý nghĩa gì đối với châu Á”, cho rằng chính quyền của Donald Trump tới đây có thể sẽ sắp xếp lại trật tự thế giới, vốn được Mỹ ủng hộ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dựa trên những lời hứa trong chiến dịch tranh cử và những tuyên bố sau bầu cử, ông Trump sẽ thực hiện một đường lối hướng ngoại khác trước và đặt ưu tiên các vấn đề trong nước cao hơn các vấn đề quốc tế.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra quan điểm bảo hộ thương mại và cam kết áp đặt thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Những chính sách này đi ngược lại trật tự kinh tế tự do mà Mỹ bảo trợ, vốn là nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Dựa trên hệ thống Bretton Woods và sức mạnh của đồng USD, trật tự kinh tế do Mỹ dẫn đầu là một cam kết để phát triển kinh tế, tự do hóa và ổn định. Điều này xuất phát từ một sự đồng thuận rộng rãi sau chiến tranh rằng việc thiếu vắng hợp tác kinh tế, các chính sách “lợi mình hại người” và thiếu một tổ chức cho vay quốc tế đã trở nên trầm trọng và kéo dài ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng.
Hơn nữa, những người ủng hộ sự đồng thuận sau chiến tranh đã nhìn thấy những điều kiện tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, và cuối cùng dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Một nước Mỹ theo chủ nghĩa quốc tế đã tạo cơ hội cho việc tái thiết châu Âu, Nhật Bản và tăng trưởng kinh tế của Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Nhưng một nước Mỹ bảo hộ chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào các cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ sẽ đưa họ ra khỏi trật tự kinh tế quốc tế tự do.
Và mặc dù có các cơ chế thương mại thay thế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc và các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Ngân hàng BRICS, nhưng trên thực tế đó chưa phải là lựa chọn hoàn hảo để thay thế hệ thống Bretton Woods và trật tự kinh tế tự do.
Một cách tiếp cận khác của Mỹ đối với chính sách đối ngoại và an ninh dưới thời chính quyền của Trump là biện pháp “tăng cường cưỡng chế”, nhất là với các đối thủ và các mối đe dọa. Ngoài việc có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, chính quyền Trump đã thảo luận về một chính sách mạnh tay hơn đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khủng bố khác, trong đó bao gồm các chính sách nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo.

Những đường hướng như vậy trong chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ có thể dẫn đến nhiều cuộc đối đầu và căng thẳng leo thang trên toàn thế giới. Các cuộc chạy đua vũ trang và bất ổn có thể trở nên nổi bật hơn khi các quốc gia áp dụng các chính sách tự bảo vệ mình trong bối cảnh các nước ở châu Á và các nơi khác sẽ phải làm tốt hơn nữa để giảm thiểu sự bất ổn và những mối lo ngại trước hành vi bất thường của chính quyền mới ở Mỹ.

Nguồn: thoibaonganhang.vn