Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu làn sóng tăng trưởng thứ 3 của châu Á - sau 2 làn sóng được khởi xướng bởi Nhật Bản và Trung Quốc. Số người Ấn Độ trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ 885 triệu lên 1,08 tỷ người trong 20 năm tới.
"Ấn Độ sẽ chiếm hơn một nửa số lao động mới của châu Á trong thập kỷ tới, nhưng lợi thế này không chỉ là về mặt số lượng: những người lao động mới này sẽ được đào tạo và học hành tốt hơn nhiều so với lực lượng lao động hiện tại của Ấn Độ", nhà kinh tế Anis Chakravarty của Deloitte Ấn Độ chia sẻ. Ông Anis cho biết thêm: "Tiềm năng kinh tế sẽ tăng trưởng, đi kèm với sự gia tăng số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động, cũng như khả năng làm việc nhiều giờ hơn. Những điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp".
Dân số Trung Quốc (màu xanh) và Ấn Độ (màu trắng) trong những năm qua. Ảnh: Bloomberg
Tuy đà tăng trưởng ở Ấn Độ được dự báo sẽ kéo dài hàng thập kỷ, đây không phải là nền kinh tế châu Á duy nhất sẽ có tăng trưởng mạnh. Theo Deloitte, Indonesia và Philippines cũng có dân số tương đối trẻ, nghĩa là các nước này có thể sẽ đạt mức tăng trưởng tương tự. Nhưng sự phát triển của Ấn Độ không phải là được bảo đảm 100%: nếu không đủ các khuôn khổ pháp luật và cơ chế để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, việc gia tăng dân số có thể kéo theo thất nghiệp và bất ổn xã hội.
Deloitte cũng chỉ ra những nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất từ tình trạng già hóa dân số: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Đối với Australia, báo cáo cho biết tác động lên nước này sẽ vượt xa tác động lên Nhật Bản, vốn đã phải trải qua nhiều thập kỷ đối mặt với tình trạng già hóa.
So sánh tốc độ tăng trưởng trong năm 2016 và 2017 của Ấn Độ và Trung Quốc với các nước khác, dựa theo các dự báo của IMF vào tháng 10/2016 (màu cam) và tháng 1/2017 (màu tím). Ảnh: LiveMint
Tuy nhiên, Ian Thatcher, Phó giám đốc điều hành của Deloitte Asia Pacific, cũng cho biết: "Úc chào đón người nhập cư đến khá nhiều. Điều này làm cho Úc ít gặp nguy cơ bị suy thoái do tình trạng già hóa trong những thập kỷ tới".
Về đất nước Nhật Bản, Deloitte cho rằng tình trạng già hóa cũng có thể tạo ra những cơ hội mới. Nhu cầu đã tăng lên trong các lĩnh vực như điều dưỡng, hàng tiêu dùng cho người cao tuổi, nhà ở và dịch vụ xã hội cho người già, cũng như các ngành quản lý tài sản và bảo hiểm.
Dẫu sao, Châu Á cũng sẽ cần phải điều chỉnh khá nhiều để đối phó với việc sẽ có 1 tỷ người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2050. Một số chính sách thích hợp có thể bao gồm:
- Nâng cao tuổi nghỉ hưu: cải thiện tăng trưởng ở các quốc gia chịu nhiều tác động từ tình trạng già hóa
- Khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động: có tác động trực tiếp lên tăng trưởng
- Mở rộng cửa cho người nhập cư: việc đón nhận những người nhập cư trẻ và có tay nghề cao có thể giúp ngăn ngừa các tác động từ già hóa dân số
- Tăng cường năng suất: giáo dục và đào tạo lại nhân công để tận dụng các cơ hội tăng trưởng được tạo ra bởi các công nghệ mới
Nguồn: nhipcaudautu.vn