Đến nay, trong tổng số 30 lò vôi đã có 10 lò được tháo dỡ hoàn toàn, 10 lò tháo dở dang và 10 lò chưa thực hiện việc tháo dỡ. Tỉnh Thái Bình phấn đấu bảo đảm xóa bỏ các lò vôi ở khu vực cầu Nghìn đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND thị trấn An Bài- Phạm Đức Thuận cho biết, các lò vôi ở khu vực cầu Nghìn có từ những năm 60, lúc đó thuộc doanh nghiệp nhà nước quản lý, đến cuối những năm 90 chuyển đổi mô hình quản lý, một số hộ ở đây thầu lại số lò vôi này. Đến năm 2012, hệ thống lò vôi ở cầu Nghìn phát triển ồ ạt từ 20 lò lên 60 lò. Số lò vôi này giải quyết việc làm cho 1.556 lao động thường xuyên và 143 lao động thời vụ, 2/3 lao động là người thị trấn An Bài, thu nhập từ 3,5- 4 triệu đồng/người/tháng.
“Hiệu quả kinh tế từ các lò vôi đem lại rất lớn, giải quyết lượng lao động không nhỏ cho một thị trấn còn là thuần nông như An Bài. Song không vì thế mà đánh đổi môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực thị trấn nói chung và bà con đang sống ở khu vực cầu Nghìn nói riêng” - ông Thuận nhấn mạnh.
Trước đây, ở khu vục cầu Nghìn có 120 hộ sinh sống, khi vôi phát triển ồ ạt thì 70 hộ phải di dời đi nơi khác ở, vì không thể chịu được khói, bụi ô nhiễm môi trường, nay chỉ còn 30 hộ. Theo kết quả quan trắc (tháng 8/2015) của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, chỉ số bụi tại khu vực này đã vượt mức quy định 1,6 - 1,8 lần, tại các vị trí đầu và cuối gió, chỉ số bụi từ 1,97- 3,17 lần; chỉ số CO vượt từ 4,0 - 4,2 lần. Theo báo cáo của UBND thị trấn An Bài, trong số 30 cơ sở sản xuất vôi chỉ có 4 cơ sở có thủ tục về môi trường. Cùng với khí thải của các lò vôi là hoạt động xả chất thải, khí thải của các nhà máy, xí nghiệp xung quanh, đã làm cho mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người lao động và nhân dân trong khu vực.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - khẳng định: Việc xóa bỏ lò vôi ở khu vực cầu Nghìn là cấp thiết và cần phải làm ngay, không chờ đến mốc thời gian quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm đời sống của người lao động và các chủ lò vôi, tỉnh có cơ chế hỗ trợ theo mốc thời gian tại Quyết định 3942: Các hộ tự nguyện tháo dỡ đến trước ngày 31/3 được hỗ trợ 440 triệu đồng/ống/lò, UBND huyện Quỳnh Phụ và thị trấn An Bài thưởng 20 triệu đồng. Sau mỗi tháng, số tiền giảm 10% và đến hết tháng 8, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các chủ lò không tháo dỡ. Đối với lao động thường xuyên tại các lò vôi được nhận mức hỗ trợ 1.560.000 đồng/người; lao động không thường xuyên nhận 1.040.000 đồng/người. Sau một thời gian tích cực chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến nay đã có 10 chủ lò tự nguyện tháo dỡ.
Để việc xóa bỏ lò vôi được thực hiện nhanh, đề nghị UBND huyện Quỳnh Phụ tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí phá dỡ, đào tạo nghề cho lao động, bố trí các dự án phù hợp nhằm giải quyết vấn đề lao động. UBND tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng khu bến bãi cầu Nghìn, gồm: Điện, đường giao thông; ngân hàng tạo điều kiện cho các chủ cơ sở được tiếp tục vay vốn để chuyển đổi sang các nghề khác, sau khi xỏa bỏ lò vôi.
Nguồn:Phạm Viết Thanh/Báo Công Thương điện tử