Đưa ra thông tin này trong buổi họp báo tổ chức chiều 2/7, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính thống kê, hiện tại bảng Anh đã mất khoảng 8% giá trị trong thời gian qua, đồng euro, nhân dân tệ, USD cũng đang cùng xu hướng này trong khi đồng yen (Nhật Bản) lại lên giá.
Trong khi ấy, trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, ông Hiển cho hay, 55% các khoản nợ là Việt Nam đồng, 16% là USD, 13% là yen, euro chiếm 7% và những đồng tiền khác.
Như vậy, với riêng bảng Anh chiếm 2% trong cơ cấu nợ, việc mất giá 8% theo ông Hiển giúp Việt Nam có lợi. Tương tự, những đồng tiền đang mất giá khác trong cơ cấu nợ cũng giúp Việt Nam có lợi là euro, USD. Ngược lại, đồng yen đang lên giá khiến danh mục nợ Việt Nam có tăng cao.
Việc tác động qua đó được ông đánh giá là có bù trừ và sẽ có tác động không lớn tới nợ công.
Trước đó, phát biểu trong phiên họp Chính phủ 30/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cũng cho rằng, tác động tới Việt Nam từ sự kiện Brexit là không nhiều.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị Chính phủ, trong quá trình Anh ra khỏi EU còn 2 năm, Việt Nam cần tranh thủ cố gắng đẩy mạnh những chương trình hợp tác có sẵn với EU và Anh. Ngoài ra, lãnh đạo cơ quan này cũng kêu gọi cần nghiên cứu ngay tác động gián tiếp từ sự kiện Brexit với Việt Nam để có phương án chuẩn bị, không bị bất ngờ.

Nguồn: Xuân Dũng/Vietnamplus.vn

Bộ Tài chính: Nợ công Việt Nam không bị tác động lớn vì Brexit