Theo báo cáo thường niên Banking 500 năm 2019 của hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance về các thương hiệu ngân hàng mạnh nhất và giá trị nhất thế giới, có bốn ngân hàng Việt Nam được nêu tên danh sách 500 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất thế giới.
Trong đó, đáng chú ý VPBank là đại diện ngân hàng tư nhân duy nhất của Việt Nam lần đầu tiên góp mặt trong danh sách này.
Cụ thể, VPBank là đại diện ngân hàng tư nhân duy nhất của Việt Nam lọt vào top 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu 2019 khi giá trị thương hiệu đạt vị trí 361. Tiếp tục có mặt trong top 500 này là 3 ngân hàng TMCP nhà nước BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Xét về giá trị thương hiệu của các ngân hàng thay đổi nhiều nhất, VietinBank của Việt Nam tăng đến 66% so với năm 2018. Thứ hạng của giá trị thương hiệu VietinBank tăng đáng kể từ 310 lên 242 (tăng 66%), BIDV tăng từ 351 lên 307 (sức mạnh thương hiệu của BIDV tăng đến 22%), Vietcombank từ 368 lên 325 so với năm ngoái.
Theo báo cáo của Brand Finance, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang chiếm giữ các vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) là thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu tăng 35%, lên 79,8 tỷ USD.
Ngân hàng này cũng có sức mạnh thương hiệu đáng chú ý khi là một trong ba ngân hàng duy nhất có xếp hạng AAA+ trong năm nay. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc xếp ở vị trị thứ hai (với 69,7 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (55 tỷ USD) và Ngân hàng Trung Quốc (51 tỷ USD) lần lượt đứng ở các vị trí thứ ba và thứ tư.
Theo Giám đốc điều hành Brand Finance, David Haigh, các thương hiệu ngân hàng của Trung Quốc tiếp tục ghi được dấu ấn mạnh mẽ khi tăng trưởng với một tốc độ đáng chú ý cho dù có những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế.
Ông đánh giá thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn, nhờ đó duy trì được sự lớn mạnh của các thương hiệu ngân hàng của nước này thêm nhiều năm nữa và tốc độ mở rộng ra các thị trường nước ngoài của các ngân hàng có thể thậm chí còn nhanh hơn, điều mà các ngân hàng phương Tây nên chú ý.
Trong khi đó, Well Fargo là ngân hàng Mỹ có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng, khi đứng thứ năm, mặc dù giá trị thương hiệu giảm 9%, xuống 39,9 tỷ USD. Nằm trong tốp 10 còn có ngân hàng Chase, ngân hàng lớn duy nhất của Mỹ chứng kiến giá trị thương hiệu giảm (giảm 7% xuống còn 36,3 tỷ USD).
Mặc dù đang có vị thế tốt hơn nhờ sự can thiệp sớm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều ngân hàng Mỹ đã gặp phải các vấn đề về nhận thức. Nghiên cứu khách hàng độc quyền do Brand Finance tiến hành cho thấy các ngân hàng Mỹ yếu về danh tiếng và việc tạo giá trị đồng tiền.
Trong khi các ngân hàng Mỹ đã hồi phục, hệ thống ngân hàng châu Âu hiện đang đứng trước những trở ngại lớn do thiếu sự chủ động trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính, khiến giá trị thương hiệu giảm và sự hài lòng của khách hàng thấp chưa từng có. Một ví dụ là các ngân hàng Đức có tổng giá trị thương hiệu giảm 24%, với ngân hàng Deutsche Bank là thương hiệu duy nhất của nước này đứng trong tốp 100.
Giám đốc Brand Finance, Alex Haigh, cho rằng trong khi Mỹ phản ứng mạnh trước cuộc khủng hoảng tài chính, châu Âu đang lãnh những hệ quả của việc thiếu chủ động, khiến các ngân hàng hàng đầu khu vực đang mất vị thế và giảm sút giá trị thương hiệu, đặc biệt là Đức, khi ngân hàng Deutsche Bank giảm 30% giá trị thương hiệu, xuống 4,3 tỷ USD và tụt hạng từ 47 xuống 70.
Bên cạnh việc tính toán giá trị thương hiệu, Brand Finance cũng đánh giá các sức mạnh tương đối của thương hiệu thông qua bảng đo lường về đầu tư thị trường, vốn cổ đông và hoạt động kinh doanh. Theo các tiêu chí này, ngân hàng Sberbank của Nga giành danh hiệu thương hiệu ngân hàng mạnh nhất thế giới lần đầu tiên, với 93,1 điểm trên tổng điểm 100 và xếp hạng AAA+.
Nguồn: Lê Minh (Theo Brand Finance)/Bnews.vn, TTXVN