Cụ thể, theo biên bản kết quả cuộc họp của FED ngày 14 và 15/6 (trước khi Brexit xảy ra), các quan chức thuộc FED thể hiện tâm lý rất lo lắng về hậu quả của Brexit. 
“Các thành viên thuộc FED thống nhất rằng trước khi nghĩ đến việc điều chỉnh lãi suất đồng USD hay thay đổi định hướng chính sách tiền tệ, cần có thêm số liệu về tác động của Brexit lên các nền kinh tế”, các quan chức FED nhấn mạnh.
Từ thời điểm cuộc họp diễn ra đến nay, nỗi lo của các quan chức FED lớn dần theo thời gian. Trong ngày thứ Tư, một quan chức cấp cao thuộc FED, ông Daniel Tarullo, khẳng định hãy không nên nghĩ đến việc nâng lãi suất cho đến khi lạm phát tại Mỹ đạt mức mục tiêu. 
Brexit đã khiến thị trường tài chính toàn cầu “choáng váng”, chỉ trong 1 ngày sau cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Anh, thị trường chứng khoán toàn cầu mất 2 nghìn tỷ USD.
Cho đến hiện tại, những nỗi lo hậu Brexit vẫn tiếp diễn bởi nhà đầu tư dự báo sẽ phải mất nhiều năm Anh và EU mới có thể đi đến thống nhất về các quy định trong lĩnh vực tài chính, thương mại và nhập cư.
Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rớt xuống mức thấp kỷ lục, nhiều nhà đầu tư cho rằng ít nhất đến năm 2017, FED mới có thể nâng được lãi suất cơ bản đồng USD.
“Chúng ta sẽ cần đến vài tháng liên tiếp kinh tế Mỹ có những dấu hiệu tích cực, khi đó mới có thể nói đến việc lãi suất cơ bản đồng USD được điều chỉnh tăng”, trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Wells Fargo Funds Management, ông Brian Jacobsen, nhận định. 
Từ sau Brexit, đồng USD đã không ngừng tăng giá, mức tăng đạt hơn 2% so với các đồng tiền khác trong giỏ các loại tiền tệ chủ chốt của thế giới. Đồng USD tăng tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Mỹ. Sau khi biên bản cuộc họp tháng 6/2016 của FED được công bố, đồng USD giảm giá nhẹ.
Trước Brexit, FED từng nói đến khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD 2 lần trong năm 2016 để ngăn kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng. Từ sau Brexit, nhiều quan chức thuộc FED liên tục cảnh báo về việc phải cực kỳ thận trọng với quyết định này và hiện còn quá sớm để đánh giá được toàn bộ tác động của Brexit.
Dù lĩnh vực phi sản xuất Mỹ phát đi tín hiệu tích cực nhưng đầu tư doanh nghiệp và hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp không tăng trưởng cao tương ứng. 

Sau Brexit, đồng Bảng Anh đã sụt giá 13% so với đồng USD, riêng phiên ngày thứ Tư, đồng Bảng Anh giảm 1%.

Nguồn: vneconomy.vn