Cuộc tổng tuyển cử trước hạn tại nước Anh đã làm tăng khả năng diễn ra một Brexit “êm ái”. Quốc hội “treo” buộc Thủ tướng Theresa May phải dịu giọng hơn trong quá trình đàm phán các thủ tục rời khối, thay vì theo đuổi lập trường cứng rắn mà bà từng tuyên bố trước đó là “không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”.

 Công đảng, đảng Dân chủ Tự do và đảng Dân tộc Scotland đều muốn việc nước Anh ra đi diễn ra êm thấm nhất có thể để hạn chế các tác động tiêu cực, hoặc thậm chí là muốn Vương quốc Anh vẫn tiếp tục là thành viên liên minh.
 Không chỉ vậy, đối tác tuyên bố ủng hộ đảng Bảo thủ của bà May trong Quốc hội là đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) có tư tưởng ủng hộ Brexit tại Bắc Ireland cũng muốn duy trì biên giới mở với Cộng hòa Ireland, đồng nghĩa với biên giới mở giữa nước Anh và EU sau khi Brexit hoàn tất.
 Cuộc bầu cử trước hạn đã củng cố hơn tinh thần của những thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội Vương quốc Anh vốn muốn giữ nước này lại trong liên minh và tìm kiếm một Brexit “êm ái”, lấy kinh tế và việc làm làm ưu tiên hàng đầu.
 Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond thậm chí còn công khai nói về triển vọng đàm phán Brexit theo hướng khác hẳn những gì mà Thủ tướng May dự định.
 Sự tự tin vào tâm lý cử tri đã khiến cựu Thủ tướng David Cameron phải trả giá bằng sự nghiệp của mình, bởi ở thời điểm ông tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, điều mà các cử tri quan tâm nhất không phải là vấn đề kinh tế, mà là siết chặt quyền kiểm soát nhập cư và khôi phục chủ quyền cũng như quyền tự quyết của đất nước.
 Thủ tướng Theresa May cũng đã mắc sai lầm khi kỳ vọng quá nhiều vào sự phán đoán của mình, và hậu quả là bà và đảng Bảo thủ đã đánh mất thế đa số tại Hạ viện, khiến vị thế của họ trong các cuộc đàm phán Brexit trở nên yếu hơn, làm gia tăng những thách thức trong quá trình thúc đẩy những thỏa thuận với đối tác châu Âu.
 Một năm sau ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân dẫn tới những xáo trộn trong chính trường và xã hội nước Anh, London đã cùng các đối tác tại Brussels chính thức khởi động tiến trình đàm phán về một cuộc chia ly gây nhiều tranh cãi.
 Theo hãng tin BBC, tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 22/6, Thủ tướng Theresa May đã đưa ra đề xuất của nước Anh cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi của 3 triệu công dân EU hiện sinh sống tại “xứ sở sương mù”.
 Theo đề xuất này, tất cả công dân EU sinh sống hợp pháp tại Vương quốc Anh sẽ vẫn có quyền ở lại nước Anh thời hậu Brexit, và những công dân EU đã ở Vương quốc Anh trên 5 năm cũng sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi như người Anh.
 Bà khẳng định đề xuất này đảm bảo tối đa sự ổn định cho các công dân EU sinh sống tại nước Anh, để họ đảm bảo cuộc sống và đóng góp cho xã hội Vương quốc Anh. Các đối tác châu Âu đã nhanh chóng ủng hộ đề xuất này và cho rằng đây hoàn toàn có thể là một khởi đầu tốt cho tiến trình đàm phán.
 Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm bởi khó khăn và hàng loạt vấn đề khúc mắc, từ dự luật đưa nước Anh rời EU và đường biên giới ở Bắc Ireland, vẫn đang nằm ở phía trước.
Trong khi đó, tờ The Guardian gần đây cho rằng chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và sau đó là bầu cử Hạ viện đã đem đến một sự lạc quan mới cho châu Âu, rằng họ có thể đưa kế hoạch xây dựng giấc mơ châu Âu hội nhập sâu rộng hơn quay lại đúng lộ trình sau cú sốc Brexit.
 Nền kinh tế của khu vực đồng euro bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn so với nền kinh tế Anh trong quý đầu năm 2017. Không chỉ vậy, sau cuộc bỏ phiếu về Brexit và chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ, tỷ lệ cử tri ủng hộ sự hội nhập châu Âu tại nhiều quốc gia thành viên cũng đã tăng lên đáng kể.
 Trong khi đó, bình luận về khu vực một năm sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016, tờ The Independent chạy dòng tít: “Một năm sau bỏ phiếu Brexit: Ai là kẻ thua cuộc?”
 Tờ báo này cho rằng nhìn vào những gì đang diễn ra trong khu vực hiện nay, liên minh sớm-chỉ-còn 27 thành viên đang mạnh hơn bao giờ hết, cả về kinh tế và chính trị. Hầu hết những dự đoán về tác động tiêu cực đối với liên minh sau khi nước Anh ra đi, ít nhất là trong ngắn hạn, đều đã sai.
 The Independent bình luận: “Từng là một cuộc bỏ phiếu của nước Anh, với nguy cơ tạo tiền lệ cho những nước khác tìm cách ra đi, song mọi chuyện đã khác. Thay vào đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy hầu hết công dân châu Âu ủng hộ liên minh và không muốn rời bỏ liên minh này. Các cử tri tại Áo, Hà Lan và Pháp đều đã quay lưng lại với những ứng cử viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu”.
 Mặc dù các nước thành viên của EU 27 vẫn còn một số bất đồng nhất định, và vấn đề nhập cư vẫn là đề tài gây nhức nhối, thậm chí có thể dẫn đến sự phát triển của một châu Âu hai tốc độ, song The Independent cho rằng tác động từ các cuộc bỏ phiếu gần đây tại nước Anh đã củng cố sức mạnh cho liên minh, làm hồi sinh tư tưởng về sự hội nhập châu Âu, nền tảng giúp họ hình thành nên liên minh ngày nay.
 Những gì mà chính trường châu Âu hay Mỹ đã đem đến trong suốt thời gian qua, từ Brexit, cho tới chiến thắng của ông Donald Trump và ngôi sao sáng Emmanuel Macron, có lẽ thật khó để nói trước bất kỳ điều gì. Một năm đã trôi qua, và “Brexit chính là Brexit”. Nước Anh bước vào các cuộc đàm phán với EU với một vị thế yếu hơn và thực tế là thời gian dành cho họ không có nhiều.
Nguồn: Vietnamplus.vn