Theo đó, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ước tính rằng giá tiêu dùng tháng 7 ở khu vực đồng euro tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ngang bằng mức tăng của tháng 6 và phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát.
Nhưng lạm phát cơ bản (đã loại trừ hai thành phần bất ổn nhất là thực phẩm và năng lượng chưa qua chế biến) cũng tăng 1,3% trong tháng 7, cao hơn mức tăng 1,2% trong tháng 6, trái ngược với kỳ vọng thị trường là giảm tốc xuống còn 1,1%. Lạm phát tăng chủ yếu cho các sản phẩm năng lượng tăng từ mức 1,9% trong tháng 6 lên 2,2% trong tháng 7, do giá dầu tăng.
Trong một báo cáo khác, Eurostat cũng cho biết, thất nghiệp trong khối đồng tiền chung bao gồm 19 quốc gia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khu vực và tạo thêm cơ sở để ECB có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào mùa thu.
Cụ thể, thất nghiệp ở khu vực đồng euro giảm xuống còn 9,1% trong tháng 6 từ 9,2% trong tháng 5. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009 và vượt qua kỳ vọng của thị trường là thất nghiệp ở mức 9,2%. Eurostat cũng đã điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 xuống còn 9,2% từ mức 9,3% như báo cáo trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Ý và Tây Ban Nha đều giảm xuống, tuy nhiên hai quốc gia này vẫn có tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro, ngoại trừ Hy Lạp không có dữ liệu mới. Cụ thể tại Italy, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 11,1% trong tháng 6 so với mức 11,3% của tháng 5, có nghĩa là gần 60.000 người đã được bổ sung vào lực lượng lao động của Ý. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ này đã giảm xuống 17,1% từ 17,3%.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,8% trong tháng 6 so với mức 3,9% của tháng trước, làm tăng kỳ vọng về tốc độc tăng lương nhanh hơn, qua đó có thể có thể thúc đẩy tăng trưởng trong toàn bộ khu vực đồng euro.
Sự tăng trưởng tiền lương cũng được ECB theo dõi chặt chẽ để đưa ra quyết định chính sách.
 Nguồn: Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn