Cập nhật lúc 9h30 ngày 30/3:
Đến sáng nay toàn cầu đã ghi nhận hơn 721.000 ca nhiễm COVID-19 với gần 34.000 ca tử vong. Tại Mỹ, chuyên gia cảnh báo hàng triệu người Mỹ có thể nhiễm bệnh.
Mỹ: Trong cuộc họp báo về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 29/3 (giờ Mỹ), ông Trump cho biết sẽ gia hạn hướng dẫn nhằm lại chậm lại sự lây lan của virus đến 30/4, thay vì mục tiêu ban đầu là sau lễ phục sinh, tầm 12/4. Ông cũng cho biết đỉnh dịch ở Mỹ có thể trong vòng 2 tuần nữa. Trong ngày 29/3, Mỹ đã tiến hành 894.000 xét nghiệm COVID-19.
Tính đến sáng nay, Mỹ ghi nhận 518 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Mỹ là 2.409 trường hợp.
Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ là 21.333 ca. Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện nay là 136.880 ca và là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, sau đó là Ý, Trung Quốc và Tây Ban Nha.
Italy: Ngày 29/3, Italy có thêm 756 ca tử vong mới do COVID-19. Tổng số ca tử vong ở nước này là 10.779 ca.
Tổng số ca nhiễm mới ở Italy trong 24 giờ qua tăng thêm 5.217 ca, lên 97.689 ca, đứng sau Mỹ - nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỉ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Conte nêu rõ chính phủ sẽ dành 4,3 tỉ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.
Nguồn: Tuổi trẻ
Tây Ban Nha: Tây Ban Nha đã công bố thêm 821 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 29/3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 6.803 ca, trong khi đó tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã tăng lên 80.110 người.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 30/3 – 9/4 tới.

Anh: Tới rạng sáng 30/3, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tăng thêm 209 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 1.228 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng 2.433 ca, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 19.552 ca.Trung Quốc đã ngăn chặn lây nhiễm trong nước thành công, song cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ những người nhập cảnh vẫn còn cao trong tình hình hiện tại.

Pháp: Chính phủ Pháp ngày 29/3 đã chuyển thêm 36 bệnh nhân từ các bệnh viện nằm trong vùng tâm dịch ở phía đông nước này sang các bệnh viện phía tây. Quân đội đã được huy động để bảo vệ các chuyến tàu cao tốc đặc biệt chạy từ đông sang tây. Theo Hãng thông tấn AFP, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất việc "di tản" trước bình minh. Mỗi toa tàu như vậy chỉ có thể bố trí tối đa 4 bệnh nhân.

Có khoảng 4.300 bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc đặc biệt tại Pháp.

Đức: Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29/3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Chuyên gia này không loại trừ khả năng dịch bệnh COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới máy thở trong các bệnh viện, hoàn cảnh giống như đã diễn ra ở Ý.

Theo ông Koch, tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện, số ca tử vong sẽ tăng mạnh.
Tổng số ca nhiễm virus corona ở Đức là 62.095, số ca tử vong là 533 trường hợp.
Nga: Thủ đô Matxcơva đã thông báo thành phố sẽ phong toả bắt đầu từ ngày 30/3, buộc 12 triệu cư dân phải ở nhà để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Các trường hợp ngoại lệ gồm đi khám bệnh, đi làm đối với những ngành nghề thiết yếu, đi chợ hoặc dắt thú cưng đi dạo nhưng không được quá 100m tính từ nhà mình.
Lệnh cấm tương tự có thể áp dụng với vùng Matxcơva mở rộng với dân số khoảng 7 triệu người. Nga đã xác nhận có 1.534 ca dương tính với virus corona và 8 trường hợp tử vong.
Úc: Tính đến sáng 30/3, Úc đã ghi nhận tổng cộng 4.163 ca nhiễm COVID-19 chủng mới (SARS-CoV-2), bao gồm 127 ca mới tại New South Wales. Số ca tử vong cũng tăng lên 18 ca sau khi hai phụ nữ tại bang Tasmania và vùng lãnh thổ thủ đô Úc (ACT) qua đời vì COVID-19.
Trung Quốc: Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết số ca dương tính với virus corona chủng mới còn điều trị tại nước này đã giảm xuống dưới 3.000 ca.
Trong đó, số ca là người trở về từ nước ngoài tính đến hết ngày 28/3 là 693 người đến từ 42 quốc gia, trong đó hơn 80% tập trung vào một nhóm 7 quốc gia.
Hàn Quốc: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In ngày 30/3 cho biết chính phủ sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt cho tất cả các hộ gia đình ở nước này, trừ các hộ thuộc diện 30% hộ có thu nhập hàng đầu đất nước.
Ngoài ra, tổng thống Moon cũng cho biết sẽ sớm bổ sung gói ngân sách thứ hai nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19. Dự kiến quốc hội nước này sẽ thông qua gói ngân sách thứ hai vào tháng 4, theo Reuters.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính đến hết ngày 29/3, Hàn Quốc có 78 ca nhiễm virus corona mới, tổng số ca nhiễm ở nước này là 9.661 ca. Tổng số ca tử vong ở Hàn Quốc là 158 và 195 ca hồi phục.
Mexico: Bộ Y tế Mexico xác nhận nước này có thêm 145 ca nhiễm mới và 4 trường hợp tử vong mới trong ngày 29/3. Đến nay Mexico đã có tổng cộng 993 ca nhiễm với 20 ca tử vong.
Hà Lan: Viện Y tế quốc gia Hà Lan (RIVM) ngày 29-3 thông báo trong vòng 24 tiếng qua đã ghi nhận thêm 1.104 ca nhiễm mới tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.866. Số người chết vì COVID-19 cũng vọt lên con số 771 người, sau khi có thêm 132 ca tử vong mới trong cùng thời gian.
RIVM thừa nhận số ca nhiễm trên thực tế tại Hà Lan có thể cao hơn những con số này nhiều lần, do nhà chức trách chỉ xét nghiệm virus corona những trường hợp có triệu chứng nặng phải nhập viện.
Nigeria:Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã ra lệnh phong toả ở vùng Lagos và thủ phủ của nó là Abuja. Theo hãng thống tấn Pháp AFP, Nigeria hiện có 97 ca dương tính với virus corona và một trường hợp tử vong.
Thụy Sỹ: Ngày 29/3, Chính phủ Thụy Sỹ cho biết, số ca mắc COVID-19 tại nước này và Công quốc Liechtenstein đã tăng thêm 1.123 trường hợp, nâng tổng số ca mắc lên 14.336. Tất cả bang tại Thụy Sỹ và Công quốc Liechtenstein đều bị ảnh hưởng.
Thụy Sỹ đã tiến hành xét nghiệm 111.000 người kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được xác nhận hôm 24/2, trong đó 13% cho kết quả dương tính. Số người thiệt mạng vì COVID-19 hiện là 257 trường hợp.
Ai Cập: Bộ Y tế Ai Cập xác nhận, có thêm 33 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 609. Số người tử vong do chủng virus nguy hiểm này cũng đã lên đến 40, sau khi có thêm 4 trường hợp tử vong mới trong ngày. Ai Cập cũng ghi nhận 182 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, trong đó 132 người đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam
Sáng nay 27 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW ra viện
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trong hôm nay sẽ có 27 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện này khỏi bệnh và ra viện.
Tính đến 6h sáng ngày 30/3, cả nước đã ghi nhận 194 ca bệnh mắc COVID-19, 25 ca đã khỏi bệnh và ra viện.
Nguồn: Tuổi trẻ
169 ca bệnh còn lại hiện đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Kim Chung đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất với 80 trường hợp ( có 66 người Việt và 14 người nước ngoài).
Về diễn tiến sức khoẻ của các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện 65/169 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19, trong số này 53 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm từ 2-4 lần âm tính với virus gây COVID-19.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trong hôm nay sẽ có 27 bệnh nhân mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên, sức khoẻ ổn định, đang điều trị tại Bệnh viện này khỏi bệnh và ra viện, chuyển theo dõi sức khoẻ tại cơ sở khác.
Như vậy, cùng với 25 bệnh nhân đã khỏi và ra viện tính đến ngày hôm qua, trong hôm nay, Việt Nam sẽ có 52 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.
Thông tin chi tiết về các bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW ra viện hôm nay, chúng tôi sẽ cập nhật để gửi đến bạn đọc.
Về tình hình diễn tiến sức khoẻ 3 ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Kim Chung, thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của Bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện sức khoẻ đã có nhiều tiến triển tốt lên.
Trong đó, 01 bệnh nhân đã không còn thở máy trong đêm 28/3; bệnh nhân người Anh đang tiến triển khá hơn, đang cân nhắc giảm chế độ máy thở; 01 bệnh nhân chạy ECMO ngày thứ 10 đang khá lên, hy vọng cai dần ECMO.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Cùng với việc đề xuất đẩy mạnh tái đàn, hiện Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng thịt lợn hợp lý tại các nước xuất khẩu nhằm giảm áp lực lên nguồn cung, kéo giá thịt lợn xuống mức hợp lý.
Nhập khẩu thịt lợn tăng 312%
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cơ quan cấp phép nhập khẩu thịt lợn, tính đến ngày 27/3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Liên bang Nga 2,62%.
Theo thông tin từ Tập đoàn Miratorg, từ đầu ngày 28/01/2020 đến nay, Tập đoàn này đã làm thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn thịt lợn thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam; các lô hàng về đến các cảng của Việt Nam vào ngày 18/3/2020 và đã bắt đầu cung cấp ra thị trường.
Nguồn: Congthuong.vn
Bộ Công Thương tích cực, chủ động trong kết nối nhập khẩu thịt lợn
Dù không phải đơn vị trực tiếp cấp phép nhập khẩu thịt lợn, song Bộ Công Thương đã và đang tích cực làm việc với các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, Cục cũng đã đề nghị các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn theo Công văn số 1052/XNK-NS ngày 14/10/2019 của Cục Xuất nhập khẩu và Công văn số 10/BCĐDTLCP ngày 16/10/2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.
Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường;…
Theo số liệu thống kê, đến nay đã có 99% số xã dịch đã qua 30 ngày; có 41 tỉnh, thành phố không tái phát dịch. Về tình hình tái đàn lợn, tăng đàn lợn, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các địa phương, đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Với tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%, Bộ NN&PTNT dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn; trong quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn; quý II/2020 đạt 950 nghìn tấn, quý III/2020 đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV/2020 là 1,083 triệu tấn. Như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được khoảng trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn, đến cuối quý III và quý IV sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12/2018 trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Như vậy, với việc tổng hợp các giải pháp, trong thời gian tới, người tiêu dùng trong nước sẽ mua thịt lợn với giá hợp lý, giảm áp lực lên chỉ số CPI năm 2020.

Nguồn: VITIC Tổng hợp