Sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp và đang ở ngưỡng kháng cự 720 điểm, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn trong phiên sáng nay, khiến thị trường đảo chiều với thanh khoản sụt giảm so với các phiên trước.

Sau kỳ nghỉ lễ khá dài ngày, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm khá tích cực cùng dòng tiền chảy mạnh. Trong phiên hôm qua (4/5), những tưởng đà tăng sẽ bị ngắt nhịp khi lực bán có dấu hiệu xuất hiện ngay đầu phiên, tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng trụ cột VNM, đã kéo VN-Index vượt thành công ngưỡng cản mạnh 720 điểm.

Nhịp tăng kéo dài 5 phiên liên tiếp cùng dòng tiền chảy mạnh giúp hầu hết các công ty chứng khoán kỳ vọng vào xu hướng tăng của thị trường. Như MSI đưa ra dự báo khá triển vọng khi nhận định khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong 1-2 phiên tới và hướng về mức đỉnh 732 điểm.

Tuy nhiên, trái với quan điểm khá lạc quan về xu hướng thị trường, tâm lý lo ngại điều chỉnh sau chuỗi ngày dài tăng mạnh khiến giao dịch trở nên thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng 5/5. Dòng tiền tham gia hạn chế với việc đảo chiều giảm điểm của các cổ phiếu trụ cột khiến thị trường gặp bất lợi, VN-Index quay đầu đi xuống ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Đà giảm được duy trì khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Với việc giao dịch thiếu tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng bộ tứ trụ cột là VNM, VIC, MSN, GAS đều đứng dưới mốc tham chiếu khiến đà giảm có phần nới rộng hơn. Chỉ số VN-Index nhanh chóng lui về sát mốc 720 điểm.

Trong đó, “ông lớn” VNM sau 5 phiên tăng liên tiếp đã đảo chiều giảm 0,4%, tạm đứng tại mức giá 147.900 đồng/CP tại thời điểm 10h.

Diễn biến các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tiếp tục chia thành 2 thái cực. Trái ngược với phiên hôm qua, các mã như VCB, BID, CTG, STB không còn giữ đà tăng mạnh và quay đầu giảm hoặc đứng giá tham chiếu, thì MBB lại hồi phục tích cực với mức tăng 1,82%.

Bên cạnh đó, PVD sau 4 phiên giảm sâu, về mức giá thấp nhất kỷ lục kể từ ngày chào sàn, cũng đã được ngắt nhịp. Hiện PVD tăng 2,9% lên mức 15.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,15 triệu đơn vị.

Bộ đôi FIT và QCG vẫn có những chuyển biến đáng chú ý. Mở cửa phiên giao dịch FIT vẫn duy trì lượng dư mua trần lớn, tuy nhiên, lực cung tung ra khá mạnh đã hấp thụ toàn bộ, đồng thời, giá cổ phiếu cũng có phần thu hẹp. Hiện FIT tăng 4,9% lên 4.940 đồng/CP và khớp hơn 8 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Còn QCG tiếp tục giữ nhiệt bởi vắng bóng cung hàng, trong khi lực cầu vẫn tăng mạnh. Hiện QCG mới chỉ chuyển nhượng thành công 88.920 đơn vị, nhưng dư mua trần gần 7 triệu đơn vị. Đồng thời, sau 6 phiên tăng trần, giá cổ phiếu QCG đã vượt mệnh giá, lên mức cao nhất trong gần 2,5 năm qua (từ giữa tháng 12/2014 đến nay).

Đà giảm ngày càng sâu hơn của một số mã lớn khiến VN-Index có chút rung lắc nhẹ quanh mốc 720 điểm, tuy nhiên ngưỡng kháng cự mạnh này đã được bảo toàn khi chốt phiên giao dịch sáng.

Trong khi đó, diễn biến trên sàn HNX vẫn rung lắc trong biên độ hẹp và liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, HNX-Index đã kém may mắn khi “trượt chân” ở những phút cuối.

Cùng với đà giảm nhẹ của 2 chỉ số, dòng tiền tham gia trên cả 2 sàn cũng có phần hạn chế khiến thanh khoản giảm nhẹ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,57 điểm (-0,22%) xuống 720,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 106,34 triệu đơn vị, giá trị 1.867,91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,61 triệu đơn vị, giá trị 201,35 tỷ đồng, riêng KBC thỏa thuận 6,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 103,1 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 89,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,71 triệu đơn vị, giá trị 265,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,12 triệu đơn vị, giá trị 7,53 tỷ đồng.

Đóng vai trò lực hãm chính trên sàn HOSE là trụ cột VNM. Sau 5 phiên tăng liên tiếp nhờ thông tin trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao, VNM đã quay đầu giảm 1.100 đồng (-0,74%), xuống mức 147.400 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn như GAS, MSN, VIC, hay các mã ngân hàng như VCB, BID, CTG, STB cũng đều đứng dưới mốc tham chiếu, tác động xấu tới diễn biến thị trường.

Trong khi các cổ phiếu thị trường như HQC, DIG, DIC mất sắc tím thì QCG vẫn tăng trần với lượng dư mua trần duy trì ở mức cao, đạt 6,93 triệu đơn vị.

“Người anh em” FIT những tưởng hụt hơi bởi lực cung gia tăng mạnh, tuy nhiên, lực cầu tăng vọt đã hấp thụ hết. Qua đó giúp FIT lấy lại sắc tím cùng thanh khoản tăng vọt.

Chốt phiên, FIT tăng 6,79% lên mức 5.030 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 13,44 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Điểm sáng trên sàn HNX là CEO. Ngay sau thông tin kết quả kinh doanh quý I/2017 khả quan với doanh thu đạt 345 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 55,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 40% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đã giúp CEO tăng mạnh cả về giá và thanh khoản.

Với mức tăng 5,1%, CEO chốt phiên tạm đứng tại mức giá 12.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 6,26 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Trái với 2 sàn chính, chỉ số trên sàn UPCoM đã duy trì sắc xanh trong suốt phiên sáng. Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,16%) lên 57,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,33 triệu đơn vị, giá trị 67,99 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận vẫn khá thấp với hơn 480 triệu đồng.

Trong đó, cú nhích nhẹ trong phiên hôm qua đã trở thành bàn đạp giúp GEX tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần. Chốt phiên, GEX tăng 4,5% lên mức 23.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 649.800 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Thông tin hỗ trợ tích cực cho sự khởi sắc của GEX chính là báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Công ty, với doanh thu thuần đạt 2.828 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 624,4 tỷ đồng, tăng trưởng 467% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn