Sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức họp thường kỳ tháng 12. Theo báo cáo tại cuộc họp, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 đã “về đích” thành công khi chỉ tăng 4,74% so với tháng 12/2015, đạt mục tiêu Quốc hội giao (tăng không quá 5%).

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ Điều hành Thị trường trong nước thông tin, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 12 đã đạt 320.312 tỷ đồng, tăng 9,76% so với tháng trước. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng lương thực thực phẩm, du lịch, lưu trú ăn uống với mức tăng từ 13 - 26% do tháng này có dịp nghỉ Lễ Giáng sinh và nhiều hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ăn uống ngoài gia đình; các nhóm khác chỉ tăng từ 3,3-6,8%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2016 đạt 3.527.366 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ cả nước tăng khoảng 7,2 - 7,4%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm 2015 nhưng cũng là mức tăng khá so với những năm trước đây.

Nhìn chung, dù tình hình thời tiết gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2016, các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp đều nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Với giá cả hầu hết các mặt hàng đều được điều hành linh hoạt, đặc biệt là những mặt hàng tác động mạnh đến đời sống như giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu, lương thực thực phẩm… các mặt hàng vẫn đảm bảo tăng theo đúng quy định nhưng không tác động lớn đến Chỉ số CPI.

Cụ thể, CPI tháng 12 tăng 0,23% so với tháng 11. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất với 5,3% do việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại 4 tỉnh, thành phố trên cả nước vào tháng 12. Tiếp đến là các nhóm như may mặc, mũ nón, giày dép, lương thực và thuốc lá tăng từ 0,21 - 0,25% do nhu cầu các mặt hàng này bắt đầu tăng nhẹ dịp cuối năm; các mặt hàng khác chỉ tăng từ 0,07 - 0,19%. Một số nhóm khác như thực phẩm, giao thông, bưu chính viễn thông, văn hóa giải trí giảm. Tính chung cả năm 2016, CPI tăng 4,74% so với tháng 12/2015. Trong đó giáo dục và y tế có mức tăng cao nhất. Nếu so với cùng kỳ năm 2015, CPI tăng 2,66%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, các yếu tố gây tăng giá năm 2016 là do việc điều chỉnh tăng theo lộ trình một số loại phí do Nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục. Mức tăng lương tối thiểu và lương cơ bản cũng là một trong những yếu tố tác động đến CPI. Ngoài ra, một số loại hàng hóa, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá dịp Lễ Tết; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu cũng là nguyên nhân gây tăng giá trong một số giai đoạn.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước khẳng định, năm 2016 được đánh giá là năm thành công trong công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng bởi sự linh hoạt, chủ động đã giúp CPI ở mức dưới kế hoạch được giao. Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành. Chương trình bình ổn thị trường được các địa phương tổ chức thành công, góp phần kiềm chế giá, đảm bảo ổn định thị trường.

Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, năm 2017, chỉ số CPI không vượt quá 4% so với cùng kỳ. Đây là chỉ tiêu tương đối khó khăn khi tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ diễn biến phức tạp; đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu và giá hàng hóa trong nước. Việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu thô tiếp tục ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Một số mặt hàng tiếp tục được điều chỉnh theo đúng lộ trình…

Để CPI năm 2017 đạt mức như Quốc hội giao, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu các thành viên tổ điều hành theo đúng chức năng được giao sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động và linh hoạt thực hiện các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu đã đề ra; Theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa để có sự điều chỉnh phù hợp; Đảm bảo nguồn cung hàng hóa có chất lượng; Tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để góp phần tiêu thụ tốt hàng hóa trong nước…

“Đặc biệt, cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đồng thời điều hành giá một cách linh hoạt, kịp thời, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá. Kiểm soát giá tốt trong dịp này sẽ tạo tiền đề cho thực hiện mục tiêu cả năm 2017” - Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định.

Nguồn: Phương Lan/Báo Công Thương điện tử