Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng trong thời gian tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, thưa ông?
Bất kỳ bất ổn nào trong thương mại quốc tế cũng sẽ dẫn đến các bất ổn của thị trường quốc tế, qua đó tạo các cú “sốc” với các nền kinh tế. Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều xáo trộn trên thị trường quốc tế như việc biến động của tỷ giá và thị trường chứng khoán ở nhiều nước, việc tăng giá của một số hàng hóa cơ bản như xăng, dầu… Các bất ổn này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Nếu để kéo dài thì có thể làm ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm, và nhiều khía cạnh khác của kinh tế vĩ mô. Về sản xuất công nghiệp, các hàng rào thương mại được dựng lên sẽ tác động đến chuỗi sản xuất trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, xuất nhập khẩu cũng không phải là ngoại lệ, sẽ bị tác động tiêu cực.
Vậy, theo ông câu chuyện này có ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam không?
“Cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung Quốc đã đến hồi căng thẳng, kèm theo những tranh chấp thương mại Mỹ - EU; Mỹ - Canada; Mỹ - Mexico; Mỹ - Nhật Bản... báo hiệu nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Nếu những căng thẳng về chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài và leo thang giữa Mỹ và các nước sẽ khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất bị trì hoãn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị chậm lại.
Tuy nhiên, tôi nghĩ không vì thế mà trong ngắn hạn các mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì các hàng hóa đầu vào xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nằm trong cuối chuỗi sản xuất, nhưng nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục mở rộng danh sách thì về dài hạn sẽ có những cú “sốc” khó đoán trước được đối với kinh tế Việt Nam.
Chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng xuất nhập khẩu giảm trong cuộc chiến tranh thương mại, đặc biệt là việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ 2 thị trường tiềm năng này?
Như tôi đã nói ở trên, trước mắt, tình trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chưa gặp nhiều ảnh hưởng cho đến khi nào Mỹ chưa tăng cường các hàng hóa bị trừng phạt từ Trung Quốc. Nhưng để duy trì và đảm bảo được tình hình xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tăng sức cạnh tranh cho thị trường để tạo sự hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nhà nước có thể khuyến khích và thậm chí đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm khắt khe hơn để nâng được chất lượng và quy mô hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại sang các thị trường mới nổi khác cũng là các biện pháp nên được quan tâm nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, hoặc tạo nên thị trường thay thế cho các biến động thương mại lớn để có thể đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu ổn định, giảm thiểu tối đã ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Dự báo nhiều mặt hàng của Trung Quốc do bị đánh thuế, sẽ tìm cách nấp dưới xuất xứ của những quốc gia khác chẳng hạn như "made in Vietnam", để trốn đòn trừng phạt của Mỹ. Ông có lo ngại điều này và theo ông cần giải pháp gì để xử lý?
Tôi nghĩ hoàn toàn có nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ mà thậm chí có thể nấp dưới xuất xứ khác, chẳng hạn như “made in Việt Nam”. Và đây cũng là vấn đề khiến tôi lo ngại nhất vì nếu lượng hàng hóa này đủ lớn về số lượng có thể gây ra các tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí làm giảm uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường nếu như những hàng tràn vào có chất lượng kém.
Tôi cho rằng, cần đặt ra vai trò trọng tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết và kiểm soát trong vấn đề này với việc ngăn chặn ở các cửa khẩu, hải quan, sát sao phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa và các đội quản lý thị trường cần theo dõi kĩ hơn địa bàn.
Các đơn vị chức năng cũng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ để ngăn chặn việc thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Bằng việc sớm hình thành đầy đủ các nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực, sẽ là công cụ quan trọng để bảo vệ ngành hàng sản xuất trong nước trước tình trạng hàng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, để ổn định tâm lý thị trường, Chính phủ cần thông tin rộng rãi các vấn đề liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bao gồm các động thái giữa các bên và danh mục hàng hóa bị trừng phạt. Doanh nghiệp bám sát và công bố các thông tin này của Chính phủ sẽ giúp chủ động điều chỉnh sản xuất; Tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.
Có ý kiến cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Theo ông, chúng ta đã nên triển khai chưa?
Trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cố gắng giữ ổn định tỷ giá trung tâm thì trên thị trường tự do, giá USD ở chiều bán ra đã chạm mốc 23.200 VND/USD. Vậy khả năng tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định và tỷ giá sẽ có các diễn biến khó lường mà xu hướng tăng hiện hữu.
Với xu hướng tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu tăng, nhưng việc để tỷ giá tăng đến bao nhiêu cũng cần tính toán kĩ lưỡng cho các mục tiêu đề ra xem tăng trưởng kinh kế là trọng tâm và nếu tăng thì phải chọn thời điểm mà lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát tăng...
Với diễn biến phức tạp tình hình hiện nay thì tôi nghĩ chưa nên sử dụng ngay việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu ngay mà nên đợi thêm các tác động lớn hơn của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại sắp đến hồi căng thẳng nhất.
Biện pháp điều chỉnh tỷ giá chỉ là một phần quyết định giúp hỗ trợ xuất khẩu, chúng ta còn cần chọn lựa và sử dụng đồng thời các biện pháp phù hợp khác.
Nguồn:Tapchitaichinh.vn