Theo đó, tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20/7/2017, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn chính, lãi suất cho vay chuẩn và lãi suất tiền gửi tương ứng là 0,00%, 0,25% và -0,40%. Hội đồng quản trị ECB cũng kỳ vọng các mức lãi suất chủ chốt này sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại trong một khoảng thời gian dài, vượt qua thời hạn của việc mua tài sản ròng.
Về các biện pháp chính sách tiền tệ phi tiêu chuẩn, Hội đồng quản trị ECB xác nhận rằng chương trình mua tài sản ròng, với tốc độ hiện tại là 60 tỷ euro mỗi tháng, sẽ được triển khai đến cuối tháng 12/2017, hoặc lâu hơn nếu cần thiết và trong bất kỳ trường hợp nào cho đến khi Hội đồng quản trị nhìn thấy một sự điều chỉnh liên tục trong con đường lạm phát phù hợp với mục tiêu lạm phát. Các khoản mua ròng được thực hiện cùng với việc tái đầu tư các khoản thanh toán gốc từ chứng khoán đáo hạn được mua theo chương trình mua tài sản. Nếu triển vọng trở nên kém thuận lợi hơn, hoặc nếu điều kiện tài chính trở nên không phù hợp cho xu hướng tăng của lạm phát, Hội đồng quản trị sẵn sàng tăng chương trình về quy mô thậm chí là thời gian.
Quyết định giữ nguyên chính sách của ECB đã được thị trường dự báo từ sớm, nhưng những gì mà Chủ tịch ECB Mario Draghi phát biểu tại cuộc họp báo sau đó đã gây nhiều bất ngờ khi nó không giống với những gì mà ông đã từng phát biểu tại Sintra (Bồ Đào Nha) hồi tháng trước.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB thậm chí còn không yêu cầu các nhân viên chuẩn bị các lựa chọn điều chỉnh kích thích và các nhà hoạch định chính sách sẽ quay trở lại chủ đề này vào mùa thu. Draghi đã rất cẩn thận khi đưa ra một vài gợi ý về động thái tiếp theo của ngân hàng, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên nhẫn và kiên định để nâng lạm phát đạt được mục tiêu.
“Chúng tôi nhất trí không thông báo về sự thay đổi hướng đi và chúng tôi cũng nhất trí không đưa ra ngày chính xác khi nào sẽ thảo luận về những thay đổi”, ông nói tại buổi họp báo. “Chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng các cuộc thảo luận của chúng tôi sẽ diễn ra vào mùa thu”, ông cho biết và nhấn thêm: “Chúng ta cần kiên nhẫn và kiên nhẫn vì chúng ta chưa sẵn sàng và cần thận trọng”.
Theo các nhà phân tích, đó là những lời lẽ rất “mềm” so với mấy tuần trước khi Draghi nói rằng, tăng trưởng tốt hơn (của khu vực eurozone) sẽ tạo dư địa cho ECB thắt chặt chính sách. Những lời lẽ này được xem là cố gắng trì hoãn một quyết định không thể tránh khỏi đối với chương trình mua tài sản, hiện vẫn được thiết lập sẽ kéo dài cho đến hết năm.
Những phát biểu của ông Draghi tại thị trấn Sintra của Bồ Đào Nha đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức tăng gấp và đẩy đồng euro tăng hơn 3%, làm dấy lên nỗi lo ngại ECB có thể phá hủy những thành quả của mình nếu thay đổi chính sách quá sớm.
Trước cuộc họp chính sách của ECB hôm thứ Năm, các nhà kinh tế đã dự đoán một quyết định về chương trình nới lỏng định lượng (QE) sẽ được đưa ra vào tháng Chín, nhưng những lời bình luận của Draghi cho thấy tháng 10 là một lựa chọn khả thi hơn, thậm chí tháng 12 cũng hoàn toàn có thể.
“Trên thực tế, Draghi dường như cho phép quyết định về gói QE sẽ không được công bố trong tháng 9, và các chi tiết chính xác có thể được đưa ra sau đó – 26/10, hoặc thậm chí là ngày 14/12”, Marchel Alexandrovich - một nhà kinh tế tại Jefferies nói.
Với việc nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trưởng liên tục trong 17 quý liên tiếp và đang hoạt động tốt nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08, ECB ngày càng tự tin hơn với triển vọng kinh tế khu vực. Điều đó càng ủng hộđề xuất của Draghi về việc giảm bớt chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ sau in gần 2.000 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực.
Tuy nhiên, triển vọng giảm kích cầu tiền tệ đang làm cho các thị trường tài chính trở nên căng thẳng và các nhà đầu tư đang săm soi kỹ nhằm tìm kiếm các mạnh mối để đánh giá liệu các NHTW lớn trên thế giới sẽ làm thế nào để thu hẹp kích cầu mà vẫn giữ chi phí vay ở đáy.
Bài toán khó nhất của ECB hiện này có thể là sự không liên kết giữa lạm phát và tăng trưởng. Sau nhiều năm mua hàng nghìn tỷ euro nợ của chính phủ và doanh nghiệp, ECB đã lấy lại đà tăng trưởng của khu vực và khu vực đồng tiền chung đang tạo việc làm nhanh hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng tiền lương vẫn yếu ớt đã níu giữ lạm phát, có khả năng chạy dưới mục tiêu gần 2% của ECB ít nhất cho tới hết năm 2019. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ dễ dãi sẽ phải tiếp tục trong nhiều năm tới.
Điều đáng ngạc nhiên là đồng euro chẳng những không giảm mà còn vọt lên cao nhất 2 năm so với đồng USD sau phát biểu của ông Draghi, cho dù lợi suất trái phiếu sụt giảm.
 Nguồn: Hoàng Nguyên/Thoibaonganhang.vn