Nhu cầu đối với một số hàng hóa, dịch vụ như đồ uống, may mặc, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, điện, nước, dịch vụ du lịch, dịch vụ giao thông... dự kiến tăng, sẽ gây sức ép tăng giá. Ngoài ra, còn có tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ điều hành trung tuần tháng 4/2017 sẽ làm tăng giá trong tháng 5.

Mặc dù dự đoán chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng nhẹ, song cơ quan quản lý giá cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên giá cả tháng này. Sau khi tăng giá, đầu tháng 5/2017, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm; giá lương thực, thực phẩm (nhất là thịt lợn) giảm do các địa phương vào vụ thu hoạch lúa và tình hình xuất khẩu còn nhiều khó khăn sẽ giúp giảm giá cả thị trường.

Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, giá thóc, gạo tại miền Nam đã có xu hướng giảm so với tháng trước đó, do nhu cầu không cao và lo ngại thời tiết mưa ảnh hưởng tới chất lượng. Dự báo, giá thóc, gạo thế giới trong thời gian tới ổn định hoặc giảm nhẹ. Trong nước, nguồn cung gạo vẫn tiếp tục được bổ sung bởi vụ Đông Xuân trong khi hợp đồng xuất khẩu còn khó khăn, nên giá cả trong nước có xu hướng giảm.

Cùng đà giảm giá, có nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống, do dự báo nguồn cung dồi dào. Đây cũng là tiếp đà giảm giá trong tháng trước đó. Giá rau, củ, quả giảm do thời tiết thuận lợi. Giá thịt lợn hơi giảm sâu, trong khi các mặt hàng tươi sống khác giá cả ổn định.

Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi được dự báo ổn định hoặc giảm nhẹ.

Nhóm các mặt hàng vật liệu xây dựng là xi măng và sắt thép dự báo cơ bản ổn định. Giá bán xi măng trong nước ổn định là do nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cơ bản ổn định nên các nhà máy giữ nguyên giá bán.

Đáng chú ý, mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế là gas và xăng dầu, trong khi giá gas dự báo trên thị trường thế giới có xu hướng giảm do nguồn cung ổn định, thì giá xăng dầu vẫn khó dự đoán.

Cùng với Bộ Tài chính, hiện nay các bộ, ngành, địa phương vẫn không ngừng tăng cường công tác quản lý giá. Việc điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong thời gian tới.

Được biết, thời gian qua, trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng dầu, dịch vụ y tế, các bộ, ngành đã chủ động trong công tác dự báo và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Từ ngày 21/4/2017, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảm hiểm y tế bước 2 đối với 14 địa phương còn lại chưa tăng giá. Như vậy, đến nay, sau 6 đợt điều chỉnh, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên 63 tỉnh, thành phố đã áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm tiền lương mà không gây xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến CPI.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2017. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chỉ đạo các phương án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 ở mức 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế, giáo dục) tháng 4/2017 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 1,62%.

 Sẽ kiểm tra giá nhiều mặt hàng

Trong tháng 5/2017, Cục Quản lý giá dự kiến kiểm tra đối với các mặt hàng: Thức ăn chăn nuôi, thuốc tiêu độc khử trùng, khám chữa bệnh và dịch vụ thẩm định giá.

Tháng 4 vừa qua, Cục Quản lý giá đã triển khai 1 đoàn kiểm tra đối với các mặt hàng thóc, gạo, muối ăn.
Nguồn: baohaiquan.vn