Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
Quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã nhóm lên hy vọng cho rất nhiều doanh nghiệp và được kì vọng sẽ có những tác động tích cực đến đến tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm.
Việc giảm lãi suất cho vay là một tín hiệu rất mừng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là với những doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bởi gánh nặng lãi suất cao khiến nhiều chủ doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư, phát triển, cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Việc ngân hàng nhà nước giảm lãi suất vay sẽ giúp các doanh nghiệp và cá nhân mở rộng nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cần sử dụng những khoản vay như thế nào cho hiệu quả để tránh tăng nợ xấu và giảm áp lực kết quả kinh doanh cho các ngân hàng.
Bởi việc giảm lãi suất cho vay sẽ mang lại tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên cũng sẽ tạo áp lực tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay sẽ khiến cho biên độ lợi nhuận của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm đi. Điều này đòi hỏi các ngân hàng ngoài việc cắt giảm thêm chi phí còn cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Lãi suất cần được đảm bảo ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, nhất là các lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của Việt Nam bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến, sự phục hồi nông nghiệp. Do đó, với chính sách giảm lãi suất vừa được công bố, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chính sách này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, cần tìm kiếm các kênh phân phối nông sản nước ngoài để tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước. Xóa bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”, phải đảm bảo các tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap..., từ đó giải quyết bài toán cung - cầu không gặp nhau.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống đang có nhiều tiềm năng phát triển với mức tiêu thụ tăng khoảng 18% qua từng năm. Một trong những lợi thế của ngành này là nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ rất dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, việc nuôi trồng hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, khó đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất, chế biến, trong khi đó nhiều vùng trồng nông sản lại không tìm được đầu ra. Chính vì sự liên kết thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhà sản xuất khó tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, trong khi người nuôi trồng lại dư thừa về sản phẩm thô. Do đó, để tối ưu hóa thế mạnh nguyên liệu, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối, hỗ trợ nhau để xây dựng vùng nguyên liệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chuỗi giá trị chế biến phát triển bền vững, cần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Về lâu dài, vấn đề cải tạo giống cũng cần được đẩy mạnh, từ đó tạo ra những giống cây chất lượng cao, có khả năng giản vụ, để có thể cung cấp nguyên liệu quanh năm cho ngành công nghiệp chế biến.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các TCTD nỗ lực chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì thực tế bối cảnh kinh tế vĩ mô khi mà kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu và diễn biến thị trường tài chính thế giới lãi suất đang chịu nhiều sức ép tăng mà NHNN quyết tâm giảm đó là một sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, giảm bớt nợ xấu để thúc đẩy nền kinh tế tốt hơn đạt theo kỳ vọng mà Chính phủ đề ra cho năm 2017.
Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, NHNN điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
Nguồn: dangcongsan.vn