Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV ngày 4/12/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 của TP Hà Nội.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2019, tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển KT-XH dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn vượt 0,2% dự toán. Cụ thể, tổng thu NSNN ước thực hiện là 238.793 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ).

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2018 là 87.348 tỷ đồng, đạt 91,7% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 38.081 tỷ đồng, đạt 90,4% dự toán; Chi thường xuyên là 43.282 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các khoản chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8% (năm 2017 là 53,5%; 2016 là 55,5%).

Đáng chú ý, 8 chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố vượt kế hoạch. Đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%, kế hoạch là 7,5-8%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 0,3%, kế hoạch là 0,1%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%, kế hoạch là 62%; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 90 trường, kế hoạch là 80 trường; Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 55,5%, kế hoạch là 55%; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã, kế hoạch là 26 xã; Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,5%, kế hoạch là 85,3%...

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tổng vốn đầu tư xã hội của TP Hà Nội năm 2019 ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% (kế hoạch là 10,5-11%). Đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Trong 3 năm 2016-2018 thu hút được gần 13,25 tỷ USD, bằng 2,12 lần giai đọạn 2011-2015.

Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn phát triển ổn định, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn dự kiến đạt 3,09 triệu tỷ đồng, tăng 17,43% so với thời điểm 31/12/2017; Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 16,92% so với thời điểm 31/12/2017. Tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát ở mức 2,4% tổng dư nợ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tăng 4,15%- 4,30% (năm 2016 là 3,0%; năm 2017 là 3,01%). CPI tăng diễn ra chủ yếu từ tháng 7/2018 và do tăng giá ở các nhóm hàng vận tải, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế, lương thực.

Nguồn: Baohaiquan.vn