Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương - đã thông tin nhanh về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020. Đồng thời, Thứ trưởng cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời những câu hỏi của các nhà báo về những thông tin liên quan đến các lĩnh vực ngành Công Thương quản lý.
Bối cảnh kinh tế thế giới
Tính đến cuối tháng 4/2020, dịch Covid-19 đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Để kiểm soát dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện phong tỏa thành phố, giãn cách xã hội tạm thời khiến cho hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, nhiều tổ chức quốc tế đã đồng loạt đưa ra điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngày 14/4/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo mới nhất cho biết kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, và dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, giảm 6,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2020. Trong đó, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020, khu vực đồng tiền chung euro giảm 7,5%, và Nhật Bản giảm 5,2%. IMF ước tính đại dịch Covid-19 có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu thiệt hại 9.000 tỷ USD, lớn hơn GDP của hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới là Nhật Bản và Đức cộng lại. Thêm vào đó, thu nhập bình quân đầu người của hơn 170 trên 189 thành viên của IMF dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Trước đó, ngày 8/4/2020, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu có nguy cơ khiến thương mại quốc tế trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục. Tác động của cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Theo ước tính, khối lượng giao dịch toàn cầu có thể giảm 13% - 32% trong năm 2020, sau khi đạt mức tăng 2,9% trong năm 2018 và giảm 0,1% trong năm 2019.
Tình hình kinh tế trong nước
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng...
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Bộ Công Thương cũng đã ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp
Khác với quý I, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trướcvà là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).
Hoạt động thương mại
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2020 chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh mới chỉ tác động tới hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, thủy sản. Bước sang quý II, hoạt động thương mại Việt Nam dự kiến phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3/2020. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 16,4 tỷ USD. Sự sụt giảm được thể hiện rõ ở các ngành hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,5% so với tháng 3/2020, đạt 3,3 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 37,9%, đạt 3,3 tỷ USD; hàng dệt và may mặc giảm 18,8%, đạt 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,3%, đạt 1,8 tỷ USD; giày dép các loại giảm 6,6%, đạt 1,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 13,8%, đạt 850 triệu USD...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 26,45 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019, thì kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản lại giảm lần lượt là 5,4% và 15,4%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp có 100% vốn trong nước đạt kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng 3/2020, giảm 4,4% so với cùng kỳ; Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 11,5 tỷ USD, giảm 11% so với tháng 3/2020 và giảm 0,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 33,58 tỷ USD, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 46,32 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,17 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 7,13 tỷ USD.
Thương mại nội địa
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 4/2020, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%).
4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước - là mức giảm đầu tiên trong vòng nhiều năm qua. (Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 10,7%; 10%; 10%; 11,3%; 11,9%).
Một số giải pháp trọng tâm của Bộ Công Thương
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ đã chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn kiểm soát tốt hơn, để chủ động triển khai công việc của Bộ trong thời gian tới, kịp thời có các biện pháp vừa tiếp tục phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Công tác để xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Mục tiêu của việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động này là:
(1) Tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona (Covid-19) trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương trong giai đoạn mới;
(2) Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.
Giải đáp các vấn đề “nóng”
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp thắc mắc của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến các vấn đề "nóng" hiện nay. Đó là các nội dung về:
- Biểu giá điện bán lẻ
- Giá thịt lợn tăng cao
- Việc nhập khẩu xăng dầu
- Việc đề xuất giảm thuế phí đối với ô tô lắp ráp trong nước
- Xúc tiến thương mại trái vải
- Điều hành xuất khẩu gạo

Nguồn: VITIC