Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu, chất lượng và việc phân bổ tín dụng đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Phần lớn các khoản vay vẫn dành cho khối DN Nhà nước. Biểu đồ: HSBC

Đó là nội dung được đưa ra trong báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017 vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 11/9.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đang kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% với hy vọng đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017. Việc NHNN cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2017 đã thể hiện rõ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng trưởng GDP thông qua kênh tín dụng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thông báo chính thức nào về việc tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. 

Theo các chuyên gia HSBC, Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới. Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng hiện nay vẫn tiếp tục ưu tiên cho các ngành công nghiệp thiếu hiệu quả như bất động sản hay cho các DN nhà nước, mà không tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các DN nhà nước hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các DN vừa và nhỏ. Một nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy các DN nhà nước vay với lãi suất thấp hơn so với các DN tư nhân. 

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB về các DN Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số DN nhỏ (có từ 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các DN nhà nước và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Từ những kết quả trên, các chuyên gia HSBC nhận định, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây phần nào gây hiểu lầm về mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế. Một phần của việc giảm nợ xấu là do chuyển cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), nơi mà rủi ro tín dụng cơ bản của các khoản vay này chưa được loại trừ hoàn toàn.

Tuy nhiên, gần đây Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản so với các ngành khác để ngăn chặn các khoản vay hiệu quả thấp. Kết quả là trong các tháng đầu năm 2017, thương mại, vận tải và viễn thông là những ngành đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng tín dụng. Đây là một sự phát triển tích cực và có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các ngành này trong nước. Hơn nữa, Chính phủ gần đây đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và Công ty VAMC dễ dàng hơn trong việc chiếm hữu tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ, tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu.

Bên cạnh đó, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Các chuyên gia HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV/2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016. Giả định tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm sẽ đạt mức 19,3%. “Việc cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng 7/2017 cũng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và làm cho Chính phủ dễ dàng đạt được mục tiêu mới 21% do Thủ tướng Chính phủ đề ra” – báo cáo của HSBC nhận định.

Nguồn: baohaiquan.vn