Trong báo cáo đánh giá tổng quan về kinh tế và chính sách của Mỹ, các chuyên gia IMF cho biết đồng USD tăng giá song không quá mạnh, trong khi đó, các thị trường chứng khoán đã phục hồi sau “cơn bão” Brexit.
Xu hướng đầu tư vào các kênh tài sản an toàn khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như chi phí vay vốn của doanh nghiệp và hộ gia đình đều giảm xuống đáng kể.
Theo ước tính của IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2016 và 2,5% trong năm 2017. Tuy nhiên, thể chế tài chính này khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất trong trường hợp “cuộc chia tay” giữa Anh và EU có thể gây ra những ảnh hưởng trong dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung.
Cùng ngày, ba viện nghiên cứu kinh tế của ba nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Ifo của Đức, INSEE của Pháp và ISTAT của Italy đưa ra tuyên bố chung đánh giá triển vọng ảm đạm của các nền kinh tế Eurozone sau sự kiện Brexit.
Hoạt động trao đổi thương mại của Eurozone sẽ bắt đầu giảm sút trong quý 4, và tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung trong quý cuối năm này sẽ ở mức 0,3%, so với mức tăng 0,4% trong quý 3.
Các cơ quan trên đánh giá tác động thực sự của Brexit đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Eurozone sẽ dựa vào tốc độ của các cuộc đàm phán chính thức giữa Anh và EU về vấn đề Brexit.

Các chuyên gia nhận định sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh, tâm lý hoang mang gia tăng về mối quan hệ mới của London với khối này trong tương lai có thể châm ngòi cho những chấn động trên các thị trường tài chính, và làm giảm nhu cầu đầu tư của khối doanh nghiệp.

Nguồn: Mai Ly/Vietnamplus.vn

IMF: Brexit không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế Mỹ