Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan và phải kiên định, nhất quán triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018.
Kết quả khả quan trong tháng đầu năm
Theo Người phát ngôn Chính phủ, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực tháng đầu năm 2018.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ; khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người... Bên cạnh đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng 53,4 điểm, cao nhất trong khối ASEAN, điều này, theo Thủ tướng đánh giá, đã cho thấy niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội.
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 DN thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 DN) và trên 4.500 DN quay trở lại hoạt động. Cũng trong tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD và đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%, xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục… được đặc biệt quan tâm, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng thiên tai… là những số liệu cho thấy kinh tế - xã hội đã đặt được những kết quả đáng mừng.
Cũng trong tháng 1/2018 vừa qua, công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được chỉ đạo sớm và khá đồng bộ. Nhiều địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền.
Không được chủ quan, thoả mãn với những kết quả bước đầu
Theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số chỉ tiêu cần được quan tâm hơn, như: tỷ lệ hàng Việt Nam tiêu thụ thấp so với hàng nhập khẩu trong khi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu/GDP đến 190% nên mọi sự biến động của toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là những nền kinh tế lớn, như: Mỹ, Trung Quốc… Do đó, Thủ tướng chỉ đạo không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là sau 10 ngày ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, các cấp, các ngành đều phải có chương trình hành động cụ thể để triển khai và yêu cầu tất cả Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 01.
“Chính phủ cần tiếp tục coi xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế” – Dẫn lời Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói và cho biết thêm, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ mới.
Về những nhiệm vụ trước mắt, ông Mai Tiến Dũng thông báo, tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tháng 2/2018 được dự báo sẽ rét đậm, rét hại, hơn nữa, đây là tháng Tết Nguyên đán, nên cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của nhân dân, đi liền với đó kế hoạch gieo trồng, chăn nuôi trong hoàn cảnh rét đậm, rét hại kéo dài và nhấn mạnh, đây là việc mà ngành y tế, NN&PTNT phải có biệp pháp xử lý, trả lời sớm nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Vì vậy, trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan và phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.
Về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương đảm bảo cung - cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 16; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882, trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn Tết. Thị trường hàng hóa Tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.
“Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...” – Ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Nguồn: Hoàng Châu/Báo Công Thương điện tử