Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc ngày 19/7 đã nhất trí hợp tác giảm thâm hụt thương mại trong vòng Đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, song hai bên đã không đạt được sự đột phá nào tại vòng đối thoại này.
Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ đã kết thúc mà không có tuyên bố chung, không có họp báo hay thông báo về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của Mỹ.
Một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết hai bên đã bất đồng trong phần lớn các lĩnh vực quan trọng, trong đó có các yêu cầu của Mỹ về việc tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm lượng thép dừ thừa của Trung Quốc, giảm thuế ô tô, cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt các quy định của Trung Quốc về khoanh vùng số liệu và mức sở hữu trần của doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi thẳng thắn, điều quan trọng là phái đoàn Trung Quốc đã thừa nhận sự cần thiết của việc giảm thâm hụt thương mại với Mỹ và nỗ lực hướng tới mục tiêu này.
Kết thúc cuộc đối thoại do Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương chủ trì, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nêu rõ Trung Quốc đã thừa nhận mục tiêu chung là giảm thâm hụt thương mại mà hai bên sẽ nỗ lực hợp tác.
Các nguyên tắc về sự cân bằng, công bằng và việc trao cho nhau các đặc quyền trong vấn đề thương mại sẽ tiếp tục định hướng vị trí của Mỹ, qua đó cho phép các lao động và doanh nghiệp của Mỹ cơ hội canh trạnh trong một sân chơi công bằng.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Uông Dương đã không phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại. Trước đó, trong phiên khai mạc, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bắc Kinh và Wahshington đối thoại và phối hợp để giải quyết các bất đồng, đồng thời cảnh báo đối đầu sẽ chỉ gây tổn hại tới lợi ích của cả hai bên.
Trong khi đó, trả lời báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng cùng với việc gia tăng giao lưu kinh tế song phương, việc xảy ra một số cọ sát, bất đồng trong quan hệ kinh tế hai nước cũng là điều bình thường.
Hai bên hoàn toàn có thể nỗ lực tăng cường hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết thỏa đáng bất đồng dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung lần này diễn ra đúng thời điểm kết thúc nỗ lực 100 ngày như đã được nhất trí giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ hồi tháng 4 vừa qua nhằm lên kế hoạch giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương.
Kế hoạch trong 100 ngày này bao gồm nối lại việc xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc sau 14 năm gián đoạn, cam kết trao quyền tiếp cận hạn chế với một số lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 347,29 tỷ USD, tương đương gần một nửa mức thâm hụt của nước này trên toàn cầu.

Nguồn: BNEWS/TTXVN