Báo cáo của WB cho biết, GDP toàn cầu năm 2016 dự báo chỉ tăng 2,4% do yếu tố chu kỳ và cơ cấu khiến kinh tế các nước phát triển tăng chậm lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn trung hạn, các hoạt động kinh tế được dự báo sẽ cải thiện và tăng khoảng 2,9% trong năm 2017-2018, mặc dù tốc độ phục hồi có thể sẽ thấp hơn kỳ vọng ban đầu do những bất ổn liên quan đến tác động của sự kiện Brexit và còn có sự khác biệt giữa các nước, nhất là giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu.
Kinh tế các nước xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng cải thiện từ nửa cuối năm 2016 hoặc từ đầu năm 2017 do giá cả hàng hóa tiếp tục phục hồi, trong khi kinh tế các nước nhập khẩu hàng hóa tiếp tục hưởng lợi do giá dầu tương đối thấp sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng chậm lại.
Trái với xu hướng ảm đạm chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế LB Nga dự báo sẽ cải thiện nhờ thương mại gặp nhiều thuận lợi hơn so với nhận định ban đầu. GDP năm 2016 của LB Nga được dự báo chỉ giảm 0,6%, thấp hơn mức suy giảm 1,2% trong dự báo đưa ra tại báo cáo tháng 6. Do giá khí đốt dự báo tiếp tục phục hồi và có tác động tích cực đến nhu cầu trong nước, kinh tế của LB Nga bắt đầu có dấu hiệu thoát khỏi đáy từ quý II/2016, sau đó tăng 1,5% trong năm 2017 và 1,7% trong năm 2018.
Môi trường kinh tế bên ngoài tiếp tục là thách thức lớn đối với LB Nga khi các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp tục mở rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ thương mại và đầu tư với những đối tác chủ chốt, cản trở các định chế tài chính của LB Nga trong việc tiếp cận các thị trường vốn quốc tế.
Yếu tố cơ bản dẫn đến triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa tại các nước phát triển và một số nước mới nổi được cho là bắt nguồn từ thực trạng yếu ớt của các hoạt động thương mại và chế tạo toàn cầu yếu ớt, nhất là tại Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Mỹ, đây là ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của LB Nga.
Trong đó, kinh tế các nước EU tăng chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu và sẽ chỉ tăng khiêm tốn trong những năm tới, kinh tế Trung Quốc tăng chậm do đang phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kinh tế Mỹ tăng chậm hơn kỳ vọng.
Giá dầu trung bình trên thế giới được dự báo đạt 43 USD/thùng trong năm 2016, giảm 15% so với năm trước, và tăng lên 55 USD/thùng trong năm 2017. Năm 2017, nhu cầu về dầu mỏ được dự báo sẽ bắt đầu vượt cung, nhất là từ quý II, lượng hàng tồn kho nhờ đó sẽ giảm đáng kể. Dự báo hy vọng, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu và sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Tuy nhiên, báo cáo không loại trừ rủi ro trước những bất ổn trong việc thực hiện thỏa thuận này của OPEC. Cụ thể là, giá dầu sẽ tăng mạnh, nếu sản lượng dầu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, do sản xuất dầu tại Libya, Nigeria, Venezuela và một số nước thành viên có thể bị gián đoạn; giá dầu sẽ giảm mạnh nếu nhu cầu trên toàn cầu yếu ớt hoặc thỏa thuận giữa các nước OPEC về cắt giảm sản lượng dầu bị thất bại.
Tại LB Nga, thương mại cải thiện và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định được cho là sẽ tác động đến tâm lý của doanh nghiệp và người dân, làm tăng nhu cầu trong nước cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2017-2018. Lương thực được dự báo sẽ cải thiện, tiếp tục là yếu tố cơ bản trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giá cả hàng hóa dự báo tiếp tục giảm, xuống dưới 6% vào cuối năm 2016 và 4% vào năm 2017.
Lạm phát giảm, hoạt động cho vay cải thiện và đồng ruble sẽ góp phần cải thiện nhu cầu sức mua, mức chi tiêu của người dân lần lượt sẽ tăng 2,0% và 1,6% trong năm 2017-2018. Nhờ nhu cầu và thu nhập cải thiện, khu vực phi mậu dịch sẽ hưởng lợi, nhất là thương mại bán lẻ và khu vực tài chính, đây là hai yếu tố có đóng góp lớn nhất cho sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu đầu tư tổng thể dự báo là động lực thứ hai của tăng trưởng kinh tế, lượng hàng tồn kho sẽ bắt đầu giảm từ năm 2017 và giảm tiếp trong năm 2018. Trong năm 2017-2018, nhu cầu tiêu dùng cải thiện sẽ góp phần chấm dứt thời kỳ hàng hóa tồn kho kéo dài, các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất và bổ sung hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Điều này có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu về đầu tư tổng thể, tạo động lực tăng trưởng tại các ngành công nghiệp và hoạt động nhập khẩu. Dòng vốn đầu tư cố định dự kiến phục hồi nhẹ với mức tăng khoảng 2% vào năm 2017, sau đó sẽ tăng tốc và đạt 4% vào năm 2018 khi nhu cầu bên ngoài cải thiện và chính sách trợ cấp khó khăn ở trong nước. Ngoài ra, chi phí tín dụng thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định trong năm 2018.
Trong năm 2017-2018, cán cân xuất nhập khẩu vẫn thâm hụt. Trong đó, nhập khẩu được kỳ vọng bắt đầu phục hồi trong năm 2017 từ mức thấp và nhờ nhu cầu ở trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hai năm 2017-2018. Ngoài ra, các biện pháp củng cố tài khóa được kỳ vọng sẽ có tác dụng giảm dần mức thâm hụt ngân sách từ 4,2% GDP trong năm 2016 xuống 2,2% trong năm 2017 và 0,6% trong năm 2018.
Trong đó, kế hoạch củng cố tài khóa sẽ giảm chi tiêu chính phủ và thu nhập của các công chức. NHTW Nga dự kiến sẽ tiếp tục thả nổi đồng ruble, góp phần cân bằng cán cân thương mại. Hiện tại, cán cân vãng lai giảm dần do xuất khẩu tăng, nhưng sẽ thặng dư từ năm 2018.
Nguồn: Hoàng Thế Thỏa/thoibaonganhang.vn