Theo những số liệu công bố mới nhất, kinh tế Nhật Bản trong quý III vừa qua đạt mức tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,4% của quý liền trước và cũng là quý đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm qua. Còn nếu tính mức tăng trưởng theo quý thì quý III vừa qua, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đạt 0,3%, là quý thứ 7 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng dương và cũng là chuỗi tăng trưởng tốt nhất được ghi nhận kể từ năm 2001.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản theo quý -Nguồn: Trading economics

Động lực cho tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong những tháng vừa qua đến từ khu vực sản xuất với chỉ số PMI chế biến chế tạo liên tục gia tăng, trong đó tháng 11 vừa qua đạt 53,6 điểm - mức mở rộng mạnh mẽ nhất kể từ tháng 3/2014.

Xuất khẩu cũng là nhân tố hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế với mức tăng 14% so với cùng kỳ, nối dài chuỗi tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số sang tháng thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, tăng 26% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Nhật sang Mỹ tăng 7,1%. Với diễn biến tích cực như vậy, nhu cầu từ nước ngoài ròng (tức xuất khẩu trừ nhập khẩu) đã đóng góp 0,5% trong mức tăng trưởng 1,7% của kinh tế Nhật Bản.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia kinh tế tại Nomura dẫn đầu bởi ông Kengo Tanagashi, nhu cầu của người tiêu dùng thế giới với điện thoại thông minh tăng cao sẽ giúp cho xuất khẩu Nhật tăng trưởng mạnh hơn nữa, ngoài ra, nhu cầu phát triển hạ tầng tại nhiều nước đang phát triển cũng sẽ tăng cao, nhờ vậy doanh nghiệp Nhật có thêm điều kiện kiếm tiền.

Còn theo tính toán của chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Barclays, ông Yuichiro Nagai và Yukito Funakubo, xuất khẩu của Nhật sang các nước châu Á phục hồi trong quý III và nhiều khả năng sẽ hồi phục mạnh hơn trong quý IV. Chuyên gia Barclays cũng nhận định xuất khẩu của Nhật sang các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ hồi phục mạnh hơn nữa.

Diễn biến ổn định của kinh tế vĩ mô càng được củng cố khi tỷ lệ lạm phát lõi tăng nhẹ từ mức 0,7% của tháng trước lên hiện đạt 0,8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ổn định ở mức 2,3% - mức thấp nhất trong 23 năm qua.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là nhu cầu trong nước lại đang có diễn biến xấu đi với doanh số bán lẻ hàng hóa đã có tháng giảm đầu tiên kể từ đầu năm với mức giảm 0,2% so với cùng kỳ. Tiêu dùng cá nhân chiếm khoảng 2/3 GDP đã giảm 1,8% trong quý III/2017 so với quý trước (trái ngược với mức tăng 2,8% trong quý II/2017).

Chi tiêu công cũng giảm 0,5% trong quý III/2017 (trái ngược với mức tăng 2,4% trong quý II/2017). Tổng đầu tư cố định đã giảm 2,0% trong quý III/2017, so với mức tăng 6,7% của quý II/2017.

Mặc dù chi tiêu công và nhu cầu đầu tư đang suy yếu như vậy nhưng theo đánh giá của các nhà kinh tế, sự suy giảm này có thể chỉ là tạm thời. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 11 hiện ở mức 44,5 điểm - cao nhất kể từ tháng 9/2013. Sự gia tăng này phản ánh mức độ cải thiện của tất cả các thành phần chỉ số.

Chỉ số triển vọng việc làm và tăng trưởng thu nhập ghi nhận sự gia tăng lớn nhất, phản ánh tính chặt chẽ trong thị trường lao động của Nhật Bản. Chỉ số sinh kế tổng thể cũng gia tăng đáng kể, trong khi chỉ số người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng lâu bền tăng nhẹ. Tờ Focus Economics cho biết các nhà phân tích dự báo tiêu dùng cá nhân sẽ tăng 0,9% vào năm 2018 và tăng 0,9% vào năm 2019.

Với những diễn biến như vậy, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cả năm 2017 ước đạt 1,4%, cao hơn mức tăng trưởng 1% của năm 2016. Sang năm 2018, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có thể sẽ suy giảm khi những động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay bắt đầu suy yếu. Trong năm tài chính kế tiếp, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự đoán tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống 0,7% do việc thực hiện tăng thuế doanh thu vào tháng 10/2019.

Như vậy, chính sách Abenomics đang thành công trong việc làm tăng GDP danh nghĩa trong thời gian qua. Trong tương lai gần, trước áp lực lạm phát vẫn còn thấp, công tác điều hành chính sách tiền tệ vẫn sẽ theo những định hướng nới lỏng như hiện tại và tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản muốn tăng trưởng bền vững cần phải nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng.

Thủ tướng Shinzo Abe hiện đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán để sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 22/10 vừa qua và đảng của ông sẽ gửi các đề xuất cải cách kinh tế của mình tới Quốc hội trước kỳ họp tháng 1/2018.

Nguồn: thoibaonganhang.vn