Lạm phát gia tăng và đồng USD lên giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) tăng lãi suất cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tình hình kinh tế.
Quan ngại xoay quanh thị trường tài chính, mà trong một thời gian ngắn khoảng đầu năm 2016, dường như đang đổ dồn về Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia tham gia cuộc khảo sát ý kiến của hãng tin Reuters, tình trạng thương mại toàn cầu sụt giảm trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp có thể sẽ tiếp diễn.
Những gam màu sáng tối
Các nền kinh tế mới nổi vẫn dễ bị tổn thương và phần lớn các quốc gia châu Á sẽ tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
Mức dự báo tăng trưởng toàn cầu mới nhất cho năm 2017 là 3,2%, ít lạc quan hơn so với thời điểm này năm ngoái.
Còn đối với các nước phát triển, việc cần phải tăng năng suất lao động vẫn là vấn đề nổi cộm và những nhà hoạch định chính sách đang lúng túng không biết vì sao và làm thế nào để khắc phục vấn đề đó.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 4,6% và hoạt động tuyển dụng lao động diễn ra khá chậm chạp.
Tỷ phú Donald Trump và chính quyền của ông đã cam kết đẩy mức tăng trưởng lên 3,5-4% hoặc cao hơn, điều này giống như một “viễn tưởng không khả thi” trừ khi đi kèm theo đó là sự tăng trưởng năng suất ở mức vượt bậc, theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế Mỹ của CA-CIB ở New York.
Các chiến lược gia đã lường trước được việc đồng USD tăng giá và lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ tăng dần lên trước khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Đồng USD mạnh lên làm suy yếu các đồng tiền khác và đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý lạm phát đang ở mức tương đối cao, cũng như niềm tin thương mại đang suy yếu tại các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều bất cập liên quan tới các rào cản thương mại, triển vọng giá dầu tăng do các nước cắt giảm nguồn cung, Mỹ dự kiến giảm thuế...
Có khả năng những thỏa thuận thương mại lớn sẽ tiếp tục bị thay thế bởi những thỏa thuận nhỏ, ít tham vọng hơn giữa một vài quốc gia và một vài khối với nhau.
Các chuyên gia dự đoán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể “dậm chân tại chỗ” hoặc bị đổ vỡ.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã có những bước chuyển nhẹ, song kết quả này có được nhờ các khoản vay của chính phủ và đồng nội tệ yếu đi.
Tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ chậm lại, và căng thẳng giữa Bắc Kinh và chính quyền mới của Trump có thể tăng lên.
Ngay cả Ấn Độ - nền kinh tế được đánh giá là phát triển nhanh nhất trên thế giới trong năm 2016 - đang gia cố lại để thúc đẩy đà tăng trưởng.
Một điểm sáng là kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) bắt đầu tăng tốc khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục chương trình mua trái phiếu trị giá hàng chục tỷ euro mỗi tháng, nhằm giữ đồng euro thoát khỏi áp lực từ những thị trường khác và giúp hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Đức, Pháp và Hà Lan có thể tiếp tục đe dọa và thách thức hiện trạng nền kinh tế.
Những cơn sóng ngầm mới
Những xu hướng dài hạn thường lặng lẽ tích tụ trong nhiều thập niên và khi gặp thời cơ sẽ nổi lên công khai.
Trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor mới đây đăng bài viết cho rằng đây chính là tình huống của năm 2017.
Những biến động trong năm 2017 sẽ là sản phẩm những nước cờ chính trị đã lặng lẽ diễn ra trong nhiều năm qua.
Ở hầu hết các quốc gia thuộc thế giới phát triển, xu hướng dân số già hóa và năng suất giảm sút đi kèm với việc đổi mới công nghệ và tình trạng thất nghiệp.
Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc càng làm phức tạp thêm xu hướng này. Đúng vào lúc thế giới loay hoay thích ứng với nhu cầu giảm sút của Trung Quốc sau nhiều thập niên tăng trưởng cao, giới chức Trung Quốc cũng cải tiến chậm nhưng chắc nền kinh tế theo hướng giá trị gia tăng để sản xuất và lắp ráp nhiều phụ tùng mà họ từng phải nhập khẩu.
Những động thái trên kết hợp lại sẽ gây tác động mạnh mẽ và lâu dài lên nền kinh tế thế giới và cả hình thái của hệ thống quốc tế trong những thập niên tới.
Trong bối cảnh các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc nổi lên tại các cường quốc, nhất là châu Âu và Mỹ, dường như siêu cường của thế giới không còn là siêu cường như trước đây nữa.
Trên thực tế, nước Mỹ đã mệt mỏi sau những cuộc chiến tranh tại thế giới Hồi giáo và giờ đây muốn “sửa chữa” ngôi nhà của chính mình.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đưa ra tín hiệu sẽ thoát lui hay nói cách khác là nước Mỹ sẽ rút khỏi những nghĩa vụ ở nước ngoài, buộc những nước khác phải gánh nhiều hơn phí tổn quốc phòng, và để cho Nhà Trắng tập trung vào tăng cường sức cạnh tranh kinh tế.
Tất nhiên, ông Barack Obama đã bắt đầu hành động theo xu hướng này - chẳng hạn như cực kỳ kiềm chế tại Trung Đông trong khi tìm cách tập trung vào những thách thức dài hạn.
Điểm khác biệt chính giữa học thuyết của Obama và sự khởi đầu của học thuyết Trump là ông Obama vẫn tin vào an ninh tập thể và mậu dịch như là những cơ chế để duy trì trật tự của thế giới, trong khi ông Trump cho rằng những thể chế quản lý các mối quan hệ quốc tế có quá nhiều nhược điểm và phá hỏng các lợi ích của Mỹ.
Dẫu cho có cách tiếp cận như thế nào, thì sự thoái lui luôn là điều nói dễ hơn làm đối với một siêu cường của toàn cầu.
Đơn cử như việc điều chỉnh các mối quan hệ mậu dịch theo cách mà Washington đang dự định làm có thể là khả thi nếu diễn ra cách đây hai thập niên về trước.
Nhưng điều này lại không còn thích hợp khi trật tự thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi nhờ những tiến bộ về công nghệ đang diễn ra ngày một nhanh và do các nền kinh tế có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không thể thực hiện được những thay đổi bất ngờ và triệt để đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trên thực tế, ngay cả khi hiệp định mậu dịch này được đàm phán lại, thì Bắc Mỹ sẽ vẫn có những mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn về lâu dài.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hơn để áp đặt một cách có chọn lọc các rào cản mậu dịch đối với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kim loại.
Và những nguy cơ của cuộc tranh cãi mậu dịch gay gắt với Trung Quốc sẽ gây ra những tác động sâu rộng.
Việc Washington sẵn sàng đặt dấu hỏi về chính sách "Một Trung Quốc" - điều họ từng làm để đòi sự nhượng bộ về mậu dịch của Trung Quốc - sẽ kéo theo cái giá phải trả: Bắc Kinh sẽ vận dụng những đòn bẩy an ninh và thương mại và hệ quả là Mỹ buộc phải can dự vào khu vực Thái Bình Dương.
Nhưng hiện chưa phải là thời điểm chín muồi cho tranh chấp thương mại khi ông Trump muốn chú trọng vào các vấn đề trong nước, trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tập trung củng cố quyền lực trước thềm đại hội Đảng 19.
Năm 2017 sẽ là năm đầy khó khăn đối với châu Âu. Các cuộc bầu cử ở hai trụ cột của Liên minh châu Âu là Pháp và Đức cũng như khả năng diễn ra bầu cử ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, sẽ ảnh hưởng đến các nước khác và có thể cả Eurozone.
Những chia rẽ ở châu Âu sẽ đem đến cơ hội vàng cho Nga. Moskva sẽ có thể phá hỏng sự đoàn kết của châu Âu trong vấn đề trừng phạt Nga, đồng thời sẽ tiếp tục củng cố khả năng quốc phòng và tạo đòn bẩy trên nhiều vũ đài khác nhau, từ không gian mạng đến việc đóng vai trò kiến tạo hòa bình tại Trung Đông để mặc cả với phương Tây.
Trong khi giải pháp hòa bình cho Syria vẫn xa vời, nước Nga sẽ duy trì quan hệ thân thiết với Tehran, trong khi quan hệ Mỹ​-Iran xấu đi.
Chính sách tiền tệ tại Mỹ cùng đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong thời gian đầu năm 2017.
Những quốc gia bị ảnh hưởng nhất sẽ là những thị trường mới nổi mà đang gánh nhiều món nợ bằng đồng USD.

Trong khi đó, áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ và sự hao hụt nhanh chóng nguồn dự trữ ngoại hối sẽ buộc Trung Quốc phải tăng cường sự kiểm soát các luồng vốn bị tẩu tán.

Nguồn: Vietnamplus.vn