Trung Quốc và Mỹ đẩy nhanh nỗ lực đàm phán thương mại
Trung Quốc ngày 14/11 cho biết nước này đang tiến hành đàm phán “chuyên sâu” với Mỹ về thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” và khả năng dỡ bỏ thuế quan bất chấp những thông điệp trái chiều gần đây về diễn biến xung đột thương mại giữa hai nước.
Theo ông Cao Phong, nếu Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1", việc trì hoãn áp thuế quan sẽ cho thấy toàn bộ tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại giai đoạn một này và hai nước đang thảo luận vấn đề này một cách chuyên sâu.
Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Mỹ
Ngày 14/11, Cơ quan Hải quan Trung Quốc thông báo nước này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu của Mỹ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Trước đó, Tân Hoa xã ngày 7/11 đưa tin Cơ quan Hải quan và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đang nghiên cứu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Mỹ xuất khẩu các sản phẩm gia cầm sang Trung Quốc.
Kể từ tháng 1/2015, Trung Quốc đã cấm nhập toàn bộ thịt gia cầm và trứng của Mỹ sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại tại quốc gia này sau nhiều năm qua. Các biện pháp hạn chế khiến giá trị hàng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 80% từ mức 390 triệu USD năm 2014 xuống 74 triệu USD năm 2015.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với phóng viên rằng ông muốn ký thỏa thuận này tại Mỹ, có thể là ở Iowa.
Kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong quý IV/2019
Trước ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, mức yếu nhất trong gần 30 năm.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tháng 10/2019 sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng Chín và dưới mức dự báo trung bình tăng trưởng 5,4% mà hãng tin Reuters đưa ra.
Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ trở về gần mức “đáy” của 16 năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%.
Trung Quốc nêu điều kiện quan trọng cho thỏa thuận thương mại với Mỹ
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/11 tuyên bố việc Mỹ bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là một điều kiện quan trọng để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trước đó, ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại, song cảnh báo Washington sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận.
Cuba đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch Trung Quốc
Theo báo Cuba ra ngày 13/11, Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero Cruz vừa có chuyến thăm Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác thị trường có tiềm năng to lớn này.
Hai bên cũng đã ký kết một bản ghi nhớ về thúc đẩy quảng bá các địa danh du lịch của Cuba và trao đổi thông tin thường xuyên với mục tiêu nâng gấp đôi lượng khách hàng của CTrip tới Cuba trong vài năm tới.
Dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với đánh giá
Theo công ty kinh doanh nông sản Archer Daniels Midland Co. của Mỹ, dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với đánh giá trước đây.
Phát biểu tại hội thảo đầu tư Stephens diễn ra ở Nashville mới đây, Giám đốc tài chính Archer Daniels Midland, ông Ray Young cho biết dịch ASF đã làm giảm một nửa tổng đàn lợn của Trung Quốc kể từ tháng 8/2018.
Theo ông Young, sản lượng thịt lợn năm 2019 của Trung Quốc có thể giảm 20 triệu tấn, thay vì giảm 10 triệu tấn như ước tính trước đó của Archer Daniels Midland.
Thương chiến Mỹ - Trung khó “hạ màn” trong năm 2020
Kết quả cuộc thăm dò mới đây do hãng tin Reuters thực hiện với hơn 100 nhà kinh tế cho thấy, đa số chuyên gia nhận định cuộc thương chiến Mỹ-Trung khó có thể kết thúc trong năm tới.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 8-13/11 của Reuters cho thấy, dù xác suất trung bình có thể xảy ra một cuộc suy thoái đối với kinh tế Mỹ trong năm tới đã giảm từ mức 35% trước đó xuống 25%, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ vẫn còn khiêm tốn.
Nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7-9/2019 được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 2,0% trong quý II/2019. Theo các nhà kinh tế, tốc độ tăng trưởng của nước này dự kiến sẽ vẫn quanh tỷ lệ trên trong các quý từ nay cho đến nửa cuối năm 2021.
Tổng thống Mỹ sẽ sớm quyết định mức thuế với ô tô nhập khẩu
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định sẽ sớm đưa ra quyết định về vấn đề nói trên. Mặc dù ông Trump không đưa ra gợi ý nào về quyết định của mình, song các nguồn tin trong ngành bày tỏ hy vọng việc áp thuế sẽ được hoãn lại thêm sáu tháng nữa. Kể từ năm ngoái, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế 25% đối với sản phẩm ô tô nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước.
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng Hai đã trình Tổng thống Trump một báo cáo, trong đó nhấn mạnh các mối đe dọa đối với các nhà sản xuất Mỹ và đề nghị áp dụng thuế quan để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Trump đã trì hoãn việc áp thuế trong 180 ngày - khung thời gian hết hạn vào ngày 13/11.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm trong quý III/2019
Nền kinh tế Nhật Bản trong quý III/2019 đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong một năm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu toàn cầu yếu đi đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này.
Theo số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14/11, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý kết thúc vào tháng 9/2019 đã tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này đã giảm khá mạnh từ mức tăng được điều chỉnh 1,8% ghi nhận trong quý II/2019 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,8% của thị trường.
Singapore áp dụng trí tuệ nhân tạo ở tất cả các cửa khẩu xuất nhập cảnh
Ngày 13/11, phát biểu tại Hội chợ Công nghệ Tài chính và Tuần lễ Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo Singapore, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat khẳng định đến năm 2025, việc kiểm soát an ninh tại tất cả các trạm kiểm soát nhập cảnh ở nước này sẽ được tự động hóa hoàn toàn với công nghệ quét nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng mống mắt.
Đây là một phần trong kế hoạch của Singapore nhằm khai thác, tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại nhiều hơn lợi ích về kinh tế và xã hội. Ngoài việc hỗ trợ kiểm soát an ninh tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh, 4 chương trình AI chủ chốt khác ở cấp độ quốc gia bao gồm lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và quản lý bất động sản.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung gặp khó do vấn đề mua nông sản
Theo Wall Street Journal (WSJ), hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý về một thỏa thuận "Giai đoạn 1" để điều chỉnh lại cuộc chiến thương mại vốn bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái, song các chi tiết cuối cùng đã chứng minh rằng tham vọng của hai bên khó có thể hoàn thành.
Tổng thống Trump ban đầu nói rằng Trung Quốc đã nhất trí mua từ 40-50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong hơn hai năm, song phía Trung Quốc được cho là đã thận trọng trong việc viết một số tiền đầy đủ vào bản thỏa thuận.
Những bất đồng tương tự như trên đã làm xáo trộn các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước trong quá khứ.
UBS: Giới đầu tư triệu phú thận trọng về triển vọng năm 2020
Theo một khảo sát mới nhất của tổ chức tài chính hàng đầu Thụy Sỹ UBS, các nhà đầu tư cá nhân thuộc hàng triệu phú trên toàn thế giới tỏ ra thận trọng khi hướng đến năm 2020 trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng biến động, nhưng họ vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế và thị trường trong thập niên tới.
Cuộc khảo sát của UBS đã thăm dò ý kiến của hơn 3.400 nhà đầu tư giàu có trên toàn cầu với giá trị tài sản ròng tối thiểu là 1 triệu USD trong khoảng từ tháng 8-10/2019. Theo đó, 79% những người được hỏi cho rằng thị trường đang tiến tới thời kỳ biến động cao hơn, và 66% cho rằng thị trường hiện đang bị chi phối bởi các sự kiện địa chính trị hơn là các yếu tố cơ bản trong kinh doanh như lợi nhuận, doanh thu và tiềm năng tăng trưởng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đe dọa làm mất 1,5 triệu việc làm trên toàn nước Mỹ
Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm mất đi 1,5 triệu việc làm trên khắp nước Mỹ, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng phía Nam nước này.
Theo báo cáo của Cảng Los Angeles, chi phí nhập khẩu hàng hóa cao hơn và việc Mỹ đánh mất nhiều thị trường cũng có nguy cơ gây thiệt hại 186 tỷ USD trong hoạt động giao dịch hàng hóa mỗi năm thông qua các cảng biển và sẽ tạo gánh nặng cho người tiêu dùng nước này do giá cả "đội" thêm hàng tỷ USD.
Lý giải về “cơn sốt sneaker” đang càn quét Trung Quốc
Lý giải về hiện tượng “sốt sneaker”, các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của xu hướng văn hóa streetwear (thời trang đường phố) cũng mở ra một thị trường rộng lớn và đang phát triển tại đây. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định, tại Trung Quốc đang xuất hiện một kênh đầu tư mới vô cùng thú vị.
Với kênh đầu tư này, món hàng được trao đổi sẽ là những đôi giày bóng rổ mang thương hiệu Nike, Adidas hay Puma mà những "sneakerhead" hàng đầu luôn sẵn sàng “chiến đấu” để có được, thay vì các lựa chọn truyền thống như cổ phiếu, bất động sản hay các loại tiền điện tử.
Doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm hướng đi mới cho xe tự lái
Giống như các công ty công nghệ Trung Quốc khác, lĩnh vực này cũng bị cuốn vào cuộc chiến kinh tế - thương mại Mỹ - Trung.
Các công ty Trung Quốc có thể thu được lợi nhuận vào thời điểm trước khi một chiếc xe tự hành hoàn hảo ra đời. Khả năng kiếm lời bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ đơn giản giúp các công ty có thêm ngân sách để đầu tư cho các nghiên cứu “dài hơi” hơn.
Đồng thời, các doanh nghiệp này được bảo vệ khỏi cạnh tranh nước ngoài nhờ các quy định giới hạn vốn đầu tư của các công ty AV nước ngoài trong các liên doanh với Trung Quốc.
Ấn Độ và EU cam kết tái khởi động đàm phán FTA
Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết một lần nữa tái khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng không đưa ra lộ trình về cách thức khai thông những bế tắc trong quá trình đàm phán sáu năm qua.
Một tuyên bố đưa ra ngày 10/11 sau cuộc họp rà soát Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-EU, do Bí thư Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur Singh và Phó Tổng thư ký Cơ quan đối ngoại châu Âu Christian Leffler chủ trì, nêu rõ: "Ấn Độ và EU nhấn mạnh sự cần thiết của việc có một thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương (BTIA) và nhất trí tiếp tục làm việc hướng tới mục tiêu đó".
Nguồn: VITIC