Sự sụt giảm về lạm phát là do chi phí nhà ở giảm 6,7% mà nguyên nhân là chi phí dịch vụ và bảo trì đã được giải ngân cho các hộ gia đình nhà ở xã hội vào tháng Tư, thay vì vào tháng Năm như năm 2016.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí nhà ở và phí giao thông cá nhân) trong tháng Tư tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 30 tháng qua, chủ yếu do chi phí điện và khí đốt tăng mạnh (18,7%), ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới tăng cao.
Lạm phát trong lĩnh vực vận tải đường bộ tư nhân tăng lên 7% so với mức 6,9% của tháng 3/2017, do tốc độ tăng giá xăng và ô tô, đồng thời, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng tăng 1,7% so với mức 1,6% của tháng trước đó, do phí dịch vụ viễn thông cao hơn. Riêng lương thực lạm phát vẫn giữ ổn định ở mức 1,3%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát suy giảm là kết quả của sự tăng trưởng chậm lại, giá dầu cao hơn và giá thuê nhà giảm, cùng với điều kiện thị trường lao động sụt giảm làm giảm áp lực lên chi phí tiền lương cơ bản.
Xu thế này sẽ khiến MAS tiếp tục duy trì lập trường chính sách tỷ giá thấp, ít nhất là cho tới cuộc họp vào tháng 10/2017.
Nhìn về phía trước, MAS và MTI cho rằng áp lực lạm phát bên ngoài đã tăng lên trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động, giá dầu thô tăng từ mức đáy trong năm 2016 lên mức trung bình trong năm nay bất chấp việc bị giới hạn bởi lượng hàng tồn kho cũng như sự gia tăng sản lượng dầu thô của Mỹ.

Nguồn: Vietnamplus.vn