Theo PGS-TS. Lê Đức Mạnh - Viện trưởng, Viện Công nghiệp thực phẩm - các enzym, phytase, xylanase, glucanase, cellulase… đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, phytase có giá trị cao nhất và chiếm tới 50% tổng giá trị enzym chăn nuôi. Enzym bổ sung trong khẩu phần ăn của vật nuôi giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam lại đang phụ thuộc hoàn toàn vào enzym nhập khẩu, phần lớn trong số đó là enzym tái tổ hợp.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghiệp thực phẩm thực hiện 2 đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất enzym phytase tái tổ hợp từ nấm men”; “Nghiên cứu công nghệ sản xuất xylanase tái tổ hợp và ứng dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi”. 2 đề tài này thuộc Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến”. Viện cũng được chọn thực hiện dự án đối tác của Đại sứ quán Thụy Điển: Thiết kế các enzym mới thủy phân lignocellulose phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và cồn nhiên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ đó, Viện Công nghiệp thực phẩm đã phát huy tối đa khai thác thế mạnh về đa dạng vi sinh vật tại Việt Nam, để tạo ra những enzym tái tổ hợp mới có khả năng ứng dụng trong chăn nuôi. Theo đó, nấm men Pichia pastoris được lựa chọn do tính bền vững di truyền, khả năng phát triển trên môi trường khoáng rẻ tiền, phù hợp với sản xuất công nghiệp. Hiện, chủng nấm men Pichia pastoris tái tổ hợp đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Nhằm tìm kiếm các enzym, xylanase, cellulase mới có khả năng ứng dụng trong chăn nuôi, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tiến hành sàng lọc 1.100 chủng vi nấm phân lập từ các mẫu xác thực vật phân hủy tại các tỉnh phía Bắc. Những chủng có hoạt tính thủy phân lignocellulose cao (36 chủng) được nghiên cứu sâu về phổ enzym tạo thành và khả năng thủy phân bột rơm. Hiện, Viện đã tạo được 2 xylanase tái tổ hợp đáp ứng các tiêu chí cơ bản của enzym chăn nuôi. Quy trình sản xuất xylanase tái tổ hợp đang được nghiên cứu thực hiện ở quy mô pilot.
Cùng với thành công sản xuất enzym tái tổ hợp mới có khả năng ứng dụng trong chăn nuôi, thời gian qua, Viện còn được đánh giá cao trong nghiên cứu sản xuất cà phê bằng phương pháp ướt có sử dụng enzym, hay sản xuất một số thực phẩm chức năng từ đậu tương… Theo PGS-TS Lê Đức Mạnh, để có được kết quả đó, những năm qua, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực về con người và cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo quản và chế biến các sản phẩm thực phẩm. Viện cũng rất chú trọng nâng cao đời sống các nhà khoa học, qua đó giúp họ yên tâm nghiên cứu sáng tạo. Chính vì vậy, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.
PGS-TS. Lê Đức Mạnh - Viện trưởng, Viện Công nghiệp thực phẩm: Viện Công nghiệp thực phẩm đang phối hợp với Công ty Thức ăn chăn nuôi Quang Minh xúc tiến sản xuất phytase ở quy mô công nghiệp.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử