Vừa qua, giá điện và giá xăng được điều chỉnh tăng khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân gặp khó. Khi xăng, điện tăng giá, chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ tăng lên, nhưng doanh nghiệp, người dân không thể tăng giá bán sản phẩm. Để thích ứng, doanh nghiệp và người dân đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Công ty Taekwang Vina, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai là doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực giày da. Trước đây, trung bình mỗi tháng, công ty tiêu tốn khoảng 16 tỷ đồng tiền điện. Tuy nhiên, sau khi giá điện được điều chỉnh tăng hơn 8%, mỗi tháng, tiền điện của công ty sẽ tăng thêm gần 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, do giá xăng tăng nên chi phí cho việc vận chuyển hàng hoá cũng tăng thêm khoảng 10% so với trước. Chi phí đầu vào tăng, trong khi các đơn hàng công ty đã ký kết từ trước, không thể tăng giá bán sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo đại diện Công ty Taekwang Vina, để hạn chế thấp nhất những tiêu cực do giá điện tăng, công ty đang đẩy mạnh tuyên truyền đến công nhân việc thực hành tiết kiệm điện. Thay thế các thiết bị điện có mức tiêu thụ điện năng cao sang các thiết bị có mức tiêu thụ điện năng thấp, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Công ty Taekwang Vina sẽ đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ban đầu là để thắp sáng trong công ty, sau đó dần mở rộng, phục vụ một phần nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đầu tư điện mặt trời, chi phí ban đầu lớn song mang lại hiệu quả lâu dài, đáp ứng mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thống Nhất, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có 40 đầu xe buýt chạy nội tỉnh và các tuyến từ Đồng Nai đi Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại. Trước đây, chi phí nhiên liệu cho mỗi đầu xe khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Từ đầu năm 2019 đến nay, xăng dầu đã 2 lần tăng giá, chi phí nhiên liệu cho mỗi đầu xe đã tăng thêm hơn 200.000 đồng/ngày. Dù giá xăng dầu tăng nhưng hợp tác xã không thể tăng giá vé xe buýt, bởi nếu tăng giá vé, nguy cơ khách bỏ đi xe buýt, lúc đó, việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thống Nhất cho biết, để giải bài toàn chi phí hoạt động tăng, trong khi giá vé xe buýt vẫn giữ nguyên, Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thống Nhất đã bắt đầu thực hiện các giải pháp “thắt lưng, buộc bụng”.
Bên cạnh “siết” lại các chi phí hằng ngày để bù đắp vào giá nhiên liệu, hợp tác xã đang tính toán giảm số chuyến tại các tuyến có ít hành khách, mang lại lợi nhuận thấp; tăng cường hoạt động vào giờ cao điểm nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hành khách.
Gia đình ông Trần Văn Nam, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hiện trồng 10 ha thanh long, trước đây chi phí (tiền điện) cho một đợt chong đèn (kéo dài khoảng 10 – 15 ngày) để cây đậu trái là khoảng 10 triệu đồng/ha, thì nay, do giá điện tăng nên chi phí tăng thêm từ 2 – 3 triệu đồng/ha.
Ông Nam cho biết, giá thanh long luôn ở trong tình trạng thiếu ổn định, giá điện tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo, lợi nhuận từ trồng thanh long sẽ bị giảm.
Hiện gia đình ông đang tìm cách hạn chế sử dụng điện trong sản xuất, trước đây việc tưới nước được thực hiện theo quy trình, mỗi ngày tưới 2 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng nay mỗi ngày chỉ tưới 1 lần. Sắp tới ông sẽ thay thế những đoạn dây, bóng điện bị hư hỏng (trong hệ thống chong đèn), để hạn chế thất thoát điện năng.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, giá xăng, giá điện tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Để ứng phó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng cần tăng cường giải pháp tiết kiệm điện, thay thế các loại máy cũ, lạc hầu bằng hệ thống máy mới, công nghệ hiện đại.
Hạn chế sử dụng điện vào những giờ cao điểm. Người dân, đặc biệt là người trồng các loại cây công nghiệp lâu năm cần tưới nước, chong đèn phù hợp, tăng cường sử dụng thiết bị tiết kiệm điệm.
Nguồn: Công Phong/TTXVN