Tất cả 43 nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát đều cho rằng NHTW Nhật Bản (BOJ) sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tuần tới và hầu như không ai nghĩ rằng sẽ có bất kỳ thay đổi nào trước khi nhiệm kỳ của Thống đốc Haruhiko Kuroda kết thúc vào tháng 4 năm sau. Và mặc dù số đông chuyên gia đều kỳ vọng BOJ sẽ tham gia cùng các NHTW lớn khác trên thế giới trong việc chấm dứt kích thích tiền tệ, nhưng chỉ có 4 người dự đoán động thái này sẽ đến trước tháng 4/2018.
Hội đồng chính sách của BOJ đã dự báo lạm phát tại Nhật sẽ đạt được mục tiêu 2% trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4/2018. BOJ sẽ cập nhật dự báo này tại cuộc họp vào tuần tới và các phương tiện truyền thông nói rằng BOJ có thể hạ dự báo lạm phát năm nay và cả năm tới, dù nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế.
Kể từ khi chuyển đổi khung chính sách sang kiểm soát đường cong lãi suất vào tháng 9 năm ngoái, BOJ đã có thể làm chậm việc mua trái phiếu, hiện vẫn tuân theo hướng dẫn đã được tuyên bố là mua vào với quy mô khoảng 80 nghìn tỷ yên (708 tỷ USD) một năm. Việc mua ít hơn có nghĩa là chính sách bền vững hơn, khi nó trì hoãn thời điểm mà tại đó sẽ không còn trái phiếu mà BOJ có thể mua.
Tuy nhiên, chiến lược đó có thể trở nên khó khăn hơn khi các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tăng lãi suất và nói về việc cắt giảm các gói kích thích của họ. Những động thái này đã đẩy giá trái phiếu thế giới giảm, kéo giá trái phiếu của Nhật Bản cũng rơi vào vòng xoáy đó. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, buộc BOJ phải ra tay can thiệp vào tuần trước khi đẩy mạnh mua vào trái phiếu và cam kết sẽ mua một lượng trái phiếu không hạn chế ở một mức giá cố định.
Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, có nghĩa là BOJ sẽ phải thực sự tăng việc mua trái phiếu. Điều đó có thể giải thích tại sao đa số các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng BOJ sẽ không thay đổi cách diễn đạt đối với hướng dẫn mua trái phiếu với quy mô 80 nghìn tỷ yên/năm trước tháng 4/2018.
 Nguồn: Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn