Kết quả kinh tế-xã hội khá toàn diện
Thông báo tại cuộc họp, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất đánh giá, trong 9 tháng năm 2017, kết quả kinh tế-xã hội đạt được là khá toàn diện. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, riêng quý III tăng cao nhất (7,46%), vượt mức kỳ vọng; tính chung 9 tháng năm 2017, GDP đã tăng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%, mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% khả thi hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc...
“Trước những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, nhiều khả năng đây là sẽ năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu Quốc hội giao” – ông Mai Tiến Dũng dẫn lại đánh giá của Thủ tướng trong phiên họp.
Về nguyên nhân của những kết quả trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đó là nhờ chúng ta đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trong đó đã chú trọng vào chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, đó là việc đã nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi mà điển hình là việc đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục và tập trung mạnh vào khâu hậu kiểm; cả hệ thống có sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm rào cản; trung tâm hành chính công ở các địa phương, cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đã phát huy tác dụng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là đã có sự đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường đối thoại, tháo gỡ kịp thời những khó khăn liên quan đến sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích thêm, rằng, tăng trưởng GDP đạt được trong 9 tháng qua là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng, khai khoáng hoặc từ khai thác dầu thô.
Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng cải thiện rõ rệt với mức tăng 7,17%. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất với 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt mục tiêu cả năm đã đề ra với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Trong khi đó, nhập siêu ở mức thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách…
Không được phép chủ quan
“Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù kết quả đáng mừng, song để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết thêm, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP.
“Để cả năm GDP tăng 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, đây là con số không phải dễ dàng” – ông Dũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; quản lý tốt thị trường ngoại tệ, vàng.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, NSNN.
Thủ tướng cũng yêu cầu chưa thực hiện tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh.
Song song đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm..
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, xây dựng hệ thống thông tin thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ; phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các FTA, ứng phó với các rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường trọng điểm...
Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng theo kịch bản đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp; chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, cần tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có phản ứng chính sách cũng như điều tiết cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, qua đó đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP…
Nguồn: Hoàng Châu/Báo Công Thương điện tử