Tiến sĩ Grenville, học giả thuộc Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia, vừa có bài viết đăng trên trang mạng của viện này, phân tích về những rào cản thuế quan trong thương mại quốc tế.

Nhìn về quá khứ, rào cản thuế quan chắc chắn đã được cắt giảm đáng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều lựa chọn danh mục thuế quan ở mức trung bình dành cho một lượng nhỏ hàng hóa và ở mức thấp cho hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lựa chọn mức thuế lên tới 280% đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu vượt hạn ngạch của Canada và thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu. Quyết định này của ông Trump như thể để bảo vệ chính các hành động của mình. Vậy thế giới nên đáp trả các quyết sách của chính quyền Trump như thế nào?
Các nước tiên tiến hầu hết lựa chọn việc đặt mức trung bình thuế quan thấp. Có một vài thủ thuật được sử dụng đằng sau những con số. Mức trung bình thuế quan thường được tính dựa trên công thức lấy doanh thu thuế chia cho giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Doanh thu thuế của Mỹ chiếm 2,4% hàng nhập khẩu, trong khi châu Âu là 3% và Canada là 3,1%. Nhìn từ con số này, Mỹ dường như ít “xấu xa” hơn các quốc gia khác, do số mặt hàng chịu mức thuế cao mà nước này áp dụng ít hơn và nó làm cho thước đo thuế quan trung bình của Mỹ đẹp hơn. Cách tính này cũng bỏ qua một loạt biện pháp phi thuế quan như chống bán phá giá, bảo hộ và đối kháng - những biện pháp mà Mỹ sử dụng nhiều hơn bất kể nước nào.
Điều này cho thấy, thuế quan không còn là rào cản chính của thương mại, chính những biện pháp bảo hộ sau thuế quan mới là điều quan trọng. Châu Âu sở hữu chương trình diện rộng mang tên Chính sách nông nghiệp chung (CAP) để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Mỹ cũng có các chương trình hỗ trợ, bảo vệ và “kiềm chế tự nguyện” đối với các nhà sản xuất nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ ngành sản xuất mặt hàng đường vốn không hiệu quả của Mỹ.
Nhật Bản không áp dụng thuế quan đối với ô tô nhập khẩu, nhưng số lượng ít ỏi các hãng ô tô nước ngoài xâm nhập vào thị trường Nhật Bản phải đáp ứng được các yêu cầu quy định chi tiết rất khắt khe, cũng như phải được người tiêu dùng công nhận là doanh nghiệp sản xuất ô tô cao cấp.
Hạn ngạch, quy tắc xuất xứ, ủng hộ đấu thầu của chính phủ và các quy định về nhãn mác thường xuyên được dùng để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Khi nói đến dịch vụ, có rất nhiều các yêu cầu khác nhau mà hầu hết các quốc gia sử dụng để hạn chế vai trò cung cấp của doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ, theo Đạo luật Jones, hàng hóa được vận chuyển từ hải cảng của Mỹ phải được chuyên chở bởi tàu của Mỹ, do người Mỹ sở hữu và được vận hành bởi đoàn thủy thủ người Mỹ.
Tất nhiên, một số yêu cầu, như an toàn cho người tiêu dùng và an toàn sinh học, là hoàn toàn hợp lý. Nhưng nó cũng ngẫu nhiên trở thành những biện pháp hữu ích dùng để bảo vệ nền công nghiệp địa phương. Những giai thoại về các hạn chế thương mại giống như trường hợp thuế đánh vào mặt hàng sữa của Canada mà Tổng thống Donald Trump đã ban hành là nhiều vô số.
Một ví dụ điển hình khác có thể kể đến là trường hợp Ngân hàng Dự trữ Australia, một vài thập kỷ trước, đã tìm cách bán công nghệ sản xuất tiền bằng chất liệu polyester mới sang Mỹ. Luật yêu cầu đồng tiền của Mỹ phải được in trên giấy thường, không được sử dụng chất liệu polyester.
Thậm chí, nhà sản xuất tiền giấy độc quyền Crane Paper lúc đó còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ thượng nghị sỹ Ted Kennedy để bảo vệ vị thế của mình tại thị trường địa phương. Kết quả là Mỹ tiếp tục sử dụng công nghệ in tiền giấy hạng hai, với chi phí cao ngang tiền polyester và rất dễ bị làm giả mạo.
Khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại không chỉ quyết định tiếp tục phê chuẩn hiệp định, mà còn đình chỉ một số điều khoản sở hữu trí tuệ được phép đưa vào ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ.
Sự rút lui của Mỹ đối với TPP cũng phần nào làm dịu đi lập trường về điều khoản Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ, giúp khuyến khích việc mở rộng thêm thành viên. Thái Lan và Indonesia dường như đã sẵn sàng gia nhập hiệp định này.
Trung Quốc không nằm trong danh sách các ứng cử viên và Nhật Bản có thể muốn giữ cấu trúc của hiệp định theo cách vốn có. Những sáng kiến của các thành viên còn lại trong TPP đã cho thấy hướng đi mới của nền thương mại thế giới, bất kể không có sự tham gia của Mỹ.
Theo tác giả bài viết, không nên tin rằng thế giới sẽ chịu thiệt hại từ một cuộc chiến thương mại toàn diện, đặc biệt là khi thị trường tài chính rất dễ phản ứng lại với những lo lắng về các những tin đồn thường xuyên xuất hiện. Điều này có thể gây ra các lỗ hổng tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như gia tăng các khoản nợ USD trong các nền kinh tế mới nổi hay sự không chắc chắn của nền tài chính Trung Quốc.
Để kết luận cho bài viết của mình, tác giả nhận định rất có khả năng khi các cuộc "đấu vật" kết thúc, hoạt động thương mại trong dịch vụ, quy tắc của quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư quốc tế sẽ gặp ít rào cản hơn những gì đang diễn ra hiện nay.
Nguồn: TTXVN