Tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.473,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.067,1 nghìn ha, bằng 96,4%; các địa phương phía Nam đạt 406,8nghìn ha, bằng 93,3%. Vụ mùa năm nay chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp. Đầu vụ nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho việc gieo trồng. Các địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 3 và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhất là hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, làm ngập úng, thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu. Ở thời điểm hiện tại, thời tiết tương đối thuận lợi, đêm mưa, ngày nắng, có đủ nước và ánh sáng nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang xuất hiện rải rác trên một số trà lúa. Các địa phương cần tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất toàn vụ.
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.011,3 nghìn ha, giảm 40,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi mùa vụ (một số địa phương có diện tích lúa hè thu giảm nhiều: Kiên Giang giảm 14,4 nghìn ha, trong đó 12,9 nghìn ha giảm do chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ hè thu sang thu đông; Tiền Giang giảm 11,9 nghìn ha, trong đó 2,7 nghìn ha chuyển sang trồng cây hàng năm và 8,3 nghìn ha chuyển sang trồng cây ăn quả; Bình Thuận giảm 4,7 nghìn ha, trong đó 2 nghìn ha ngừng sản xuất để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh phát sinh, chuyển sang trồng lúa mùa và 1,9 nghìn ha chuyển sang trồng cây hàng năm khác).
Đến trung tuần tháng 8/2019, cả nước thu hoạch được 1.036,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 51,5% diện tích xuống giống và bằng 104,7% cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 983,3 nghìn ha, chiếm 62,6% và bằng 105,5%. Tiến độ thu hoạch lúa hè thu nhanh hơn cùng kỳ năm trước do thực hiện theo lịch xuống giống tập trung và sớm hơn 10-20 ngày so với thời điểm xuống giống vụ hè thu năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm nay ước tính đạt 54,4 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ hè thu trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ cao, nắng nóng nên thời gian sinh trưởng của cây lúa giảm, lúa trổ bông sớm, đặc biệt là ảnh hưởng của mưa bão sát thời điểm thu hoạch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm cho một số diện tích lúa bị thiệt hại. Diện tích gieo cấy và năng suất đều giảm nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2019 ước tính đạt gần 11 triệu tấn, giảm 280,2 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2018.
Tính đến giữa tháng 8/2019, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 382,8 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,5% cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết mưa đầu vụ. Một số địa phương có diện tích gieo cấy giảm so với cùng kỳ năm trước: Đồng Tháp giảm 10,9 nghìn ha; Cần Thơ giảm 9,8 nghìn ha; Hậu Giang giảm 6,6 nghìn ha. Hiện nay, lúa thu đông đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Tính đến 15/8, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 863,3 nghìn ha ngô, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước; 100,3 nghìn ha khoai lang, bằng 98,2%; 159,6 nghìn ha lạc, bằng 95,3%; 39,9 nghìn ha đậu tương, bằng 95,9%; 897,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,4%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đang dần được kiểm soát, giá thịt lợn hơi tăng dần, người chăn nuôi đã có lãi, số lượng lợn tiêu hủy trong tháng giảm so với tháng trước[2]. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ ổn định. Tính đến tháng Tám, đàn trâu cả nước ước tính giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,4%; đàn lợn giảm 18,5%; đàn gia cầm tăng 10%. Tính đến thời điểm 20/8/2019, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Sóc Trăng; dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.959 xã thuộc 592 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi là Ninh Thuận).

Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15/8/2019

Nguồn: VITIC/Tổng cục Thống kê

Nguồn: Vinanet